TRANG CHỦ

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

* PHỐ NHỎ, NHỮNG NGÀY MƯA - truyện ngắn Mang Viên Long





 

PHỐ NHỎ, NHỮNG NGÀY MƯA…

    Ông Nhương nói với ông già vừa đến thuê thay giúp một mặt kính lão bị bể, “Mùa mưa, chỉ ăn thôi chứ không có làm! Từ sáng đến giờ-gần hết buổi sáng, mà chỉ thay được một cái gọng kính, vỏn vẹn có tám ngàn đồng bạc!”.
Ông già cười, “Ông còn có “tiền tươi” tám ngàn, chứ tôi có đồng xu nào đâu?"
    - Bác có lương hưu lãnh hằng tháng, ăn rồi chơi, khỏi lo, chứ tôi có hưu nai gì?
    - Thôi ông ơi! Đừng nói tới chuyện hưu nai nữa! Ông lão nhăn mặt. Ra đi mấy chục năm, bị nghỉ mất sức, mỗi tháng phát cho mấy trăm ngàn, đủ húp cháo …
    Ông Nhương dừng tay mài kính, ngẩng lên nhìn ông già, cười : “Ông còn có cháo mà húp, chứ nhiều người không có cháo thì sao? Chẳng hạng như tôi đây nè…” 

    Ông già im lặng.
    Ông Nhương tiếp tục mài kính.
    Trời vẫn mưa rào rào ngoài đường. Con đường vào chợ vắng hoe. Gió thốc vào mái hiên nơi ông Nhương kê chiếc tủ “Sửa Kính Đeo Mắt” từng cơn, lạnh.
    Buổi sáng không có giờ. Bầu trời xám ngắt.
    Ông già bỗng thở dài:
    - Mấy quán nhậu, quán cà phê, giải khát, quán ăn, quán ca-ra-ô-kê… mọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm ngày càng nhiều, không biết thiên hạ tiền đâu mà ngày đêm các quán đều đông nghẹt cả?
    Ông Nhương so kính vào gọng, lại tháo ra, tiếp tục mài.
    - Mà phải nhậu ít sao? Ông già nói tiếp, nhậu từ sáng đến chiều tối còn rào rào như tằm ăn lên… bụng dạ đâu mà ăn dữ vậy không biết?
    - Ông bà mình đã nói rồi, bác không nhớ sao? Ông Nhương vẫn cắm cúi mài kính. “Dĩ thực như tiên” mà? Ăn rồi mới làm chứ? Ông Nhương cười khà khà. Không có ăn, ai dại gì mà làm chứ, bác?
    - Nhưng làm gì mà nhiều tiền vậy? Ông già cải lại. Nhậu đến mữa ra, còn nhậu tiếp… mà toàn là đám thanh niên choai choai thôi. Cỡ bốn năm mươi cũng không thiếu gì !  Ông nào ông nấy cái bụng to phình mà vẫn còn nhậu tiếp?
    - Tiền “chùa" mà, Bác!
    - Mình kiếm đồng bạc chảy máu con mắt, nhưng sao thiên hạ làm gì mà giàu có ăn nhậu la cà hết quán này đến tiệm nọ mà nhà cửa xe cộ đất đai ngày càng mọc thêm ra nhiều vậy?
    - Bác tìm họ mà hỏi đi! Ông Nhương trao kính cho ông lão. Bác hỏi tôi, làm sao tôi biết?
    Ông Nhương nhận tờ giấy bạc mười ngàn đồng từ trong túi nylong quấn chặt hai lớp của ông già, đưa lên ngắm nghía, cười : “Vậy là đủ dĩa cơm trưa rồi!” Nhìn lên gương mặt khắc khổ của ông già Ông nói, "Bác về nhà nằm nghỉ cho khỏe đi, hơi đâu mà thắc mắc cho thêm mệt tuổi già,bác? Đời này càng nghỉ, càng thêm mệt! Quên đi là tốt nhất!”.
    Ông già trùm chiếc áo mưa cánh dơi, lòng còn hập hực, bước ra hiên, đi dưới cơn mưa đang ào ạt. Ngày không có mặt trời. Bầu trời một màu mưa trắng bạc.Và gió từng cơn thổi giật làm rung chuyễn mái hiên tôn,vật vã hai hàng cây bên đường phía ngôi chợ. Nhìn trời, ông Nhương biết sẽ chẳng có ma nào chịu rời nhà mà đi sửa kính như ông già gân này nữa. Ông kéo tấm ny lông dày che kín chiếc tủ gương, và đồ nghề-khoát tấm ny lông vuông lên đầu-chạy qua bên kia đường để vào chợ tìm dĩa cơm muộn.
    Bước vào quán thì chỉ gặp một mình lão Nhện đang ngôi cắm cúi bên dĩa cơm 5 ngàn như thường lệ. Ông ngồi xuống chiếc bàn thấp bên cạnh: ” Chà! Hôm nay ông ăn sớm nhé?".
    - Đói bụng rồi! Lão Nhện ngước lên đáp, sớm gì nữa cha nội?
    - Sao đói bụng sớm vậy cha?
    - Hừ, buổi sáng đâu có gì ăn? Lão Nhện vẫn cúi mặt lên dĩa cơm đã gần hết.
    - Bữa nay kiếm được mấy đồng?
    - Đủ dĩa cơm!
    - Không còn dư đồng nào sao?
    - Không!
    Ông Nhương vẫn thường gặp lão Nhện trong cái quán cơm bình dân cuối dãy chợ này nên đã là chỗ thân tình của lão. Nhiều bữa cơm chỉ còn lại hai người, có lão Nhện cùng ăn, vừa chuyện trò tào lao với lão, vừa đùa chọc, dĩa cơm mới mau hết. Nhiều hôm không gặp lão Nhện, ông Nhương cảm thấy khó nuốt trôi dĩa cơm tứ thời mấy món kho mặn lênh láng dầu mỡ (mà chẳng biết là loại dầu gì?)! Có bữa kiếm được kha khá, ông kêu cho lão Nhện thêm một dĩa 5 ngàn nữa để lão cùng ngồi ăn cho có bạn, cho vui, nhưng lão ta chỉ ăn một hơi là sạch trơn. Tuy tuổi chỉ tròn trèm 60, mà người gầy ốm , đen điu, nên trông như một ông lão. Lão Nhện đẩy chiếc ba gác ọch ạch để di chuyển hàng từ ngoài đường vào chợ cho các con buôn hàng trái cây, rau, các thứ lỉnh kỉnh vặt vãnh cồng kềnh cần mang vào chợ để kiếm sống hằng ngày. Chiếc xe qua năm tháng dài không còn dây sên, không còn bàn đạp, ba chiếc bánh chỉ quấn toàn dây cao su, nên không thể đạp đi dược nữa. Lão chỉ dùng sức để đẩy hay kéo xe đi thôi. Tối đến ,tìm một góc phố hay sạp hàng nào rộng rãi ngã lưng làm một giấc thẳng cẳng-thế là hết một ngày. Không ai có thời gian mà tìm hiểu xem lão từ đâu đến, quê quán, vợ con, gia đình thế nào cả! Và cái tên “lão Nhện” của lão cũng do mấy bà “nhìn người, đặt tên” cho lão mà thôi. Ông Nhương thầm khen người nào đầu tiên đã đặt cho lão cái tên “Nhện” rất hợp với thân người ốm nhỏ mà tay chân khều khào dài thoòng như chân nhện. Gặp mối , lão chỉ chất hàng lên và kéo đi. Luồn lách trong các lối nhỏ chật chội của khu chợ để giúp chuyễn hàng, kiếm từng đồng bạc lẻ. Trên dường di, hễ gặp bao giấy, những tấm ny lông rách, vật dụng bằng nhôm nhựa bị vất bỏ-ông đều dừng lại thu lượm bỏ vào một bao lớn, cột kỹ, vài ngày đem bán lại cho các điểm mua đồ phế thải rác giấy, nhôm nhựa kiếm thêm. Có lần lão khoe với ông Nhương, vừa cân xong bao đồ, kiếm được ba chục ngàn đồng. Lão cười hì hì : “Có ba ngày ăn cơm rồi, lo cái quái gì nữa?" Lão Nhện thường chia sẻ niềm vui hiếm hoi nhỏ nhặt như vậy cho ông Nhương hằng ngày như những đồng bạc kiếm thêm được từ chiếc bao tải chứa đồ phế thải…
Quán vắng. Chợ thưa. Mưa dầm dề. Ông Nhương nhìn lên mặt chiếc đồng hồ Telda cũ kỹ đeo tay: đã gần 1 giờ chiều rồi! Buổi chiều lại sắp đi qua. Trời tối sầm. Mưa đổ rào rào bên ngoài không dứt. Và gió, gió giật từng cơn như có hướng bão xa ở quanh đây . Ông Nhương đứng dậy- cảm thấy gây gây lạnh, gượng cười với lão Nhện: “Trời mưa gió kiểu này, tìm một xó nào khoanh cho rồi chứ làm lụng gì nữa, ông Nhện? “
    - Ờ, ờ… Chắc phải ngủ quá, lão cười hì hì, ngủ đói!

    Vừa che tấm ny lông lên tủ kính thì đã có khách sửa kính ghé xe lại sát hiên nhà - ông Nhương vui vẻ : “Cháu sửa hay mua kính?"
     Cô gái cởi tấm áo mưa cầm tay-giọng gấp gáp: “Chú sửa giùm cháu lấy ngay được không ạ?”
    - Được, ông cười, nhưng cho chú xem kính sửa gì đã chứ?
    Cô gái sực nhớ, gỡ mắt kính đang đeo, đưa về phía ông Nhương:
    - Cháu vô ý vừa làm vỡ mất một mặt kính sáng nay…
    Ông Nhương cầm gương lên xem: “ Chà! mắt cháu bị cận 3 độ sao?”
    - Dạ không, 2 độ 75 ạ!
    - Mắt kính dày, phải mài hơi lâu-ông lắc đầu-nhanh cũng mất nửa tiếng cháu à!
    - Vậy làm sao cháu kịp vào lớp dạy. chú?-cô gái hốt hoảng.
    - Phải làm chứ ăn đâu mà nhanh cháu?-Ông cười- phải mài dũa mắt kính cho vừa sít với gọng để không dễ bị rớt, lâu đấy! Ông nhìn đứng lên gương mặt cô gái còn đọng vài hạt nước mưa chưa kịp lau, bỗng nhận ra trên khuôn mặt bầu bỉnh hồn nhiên ấy có nhiều nét rất đỗi giống Ngân xưa.   À, mà mấy giờ cháu bắt đầu dạy?
    - 6 giờ 45!
    - Cháu để kính lại chú làm, trưa chiều về ghé lấy…
    - Đi dạy không kính sao, chú? Giọng cô gái phân vân.   Cháu ngồi làm bù nhìn cho học trò chúng giỡn sao?
    - Ra bài tập gì đó cho chúng làm đi! Ông lại cười, chờ đợi.
    - Không được, chú à! Cô gái băn khoăn. Hôm nay là 4 tiết dạy nâng cao cho học sinh giỏi lớp 12, đâu ngồi chơi được? Vẻ lo lắng, khổ sở hiện lên sắc sảo trong đôi mắt đen láy, hễ rảnh một phút, là chúng ồn ào quậy phá ngay rồi! Cô gái thở dài, học sinh bây giờ mà chú?
    - Vậy là không ổn rồi, ông giơ tay lên xem lại giờ, bây giờ đã 6 giò 22 phút rồi!
    Nói xong, ông cảm thấy hơi tiếc vì mới sáng sớm mở hàng đã bỏ lỡ mất một người khách-mà có lẽ, sẽ là người khách duy nhất cho buổi sáng tầm tã mưa như thế này. Ông chợt nhớ: “ Hay là thế này…chú có mắt kính nữ 3 độ, cháu cầm đeo đi dạy đỡ nhé? Để kính cũ lại chú làm, trưa về, ghé lấy, được không?”.
    Cô gái reo lên: “Được chú giúp cho vậy thì tốt quá! Cô ngập ngừng, cháu gởi tiền thế cho kính của chú nhé? ” Cô gái lúi húi mở cặp, lấy ra chiếc bóp giấy nhỏ màu xanh.
    Ông Nhương thản nhiên mở tủ lấy chiếc kính mới trao cho cô gái cười dễ dãi: “Có bao nhiêu đâu mà cháu phải “ thế chân, thế cẳng” vậy ? Giọng ông trở nên nghiêm nghị.  Cháu làm vậy không sợ chú buồn sao? Chú tin cháu mà!”
    - Cháu xin lỗi!
    Đeo thử kính vào mắt, cô gái tươi vui như vừa được cho quà:
    - Cháu cám ơn chú! Trưa cháu ghé lại. Chú tốt quá!.
    - Chú không tốt đâu. Ông nhìn đăm đăm vào nét mặt nhân hậu hồn nhiên của cô gái, cười hà hà. Sống mà không còn tin được vào ai, thì khổ hơn nhiều, cháu à!.
    - Chú nói hay lắm! Cô gái đạp xe, nổ máy.
    - Những người có gương mặt như cháu, không thể phản bội ai được, ông Nhương nói vói theo.
    - Sao vậy? Cô gái ngạc nhiên quay lại với nụ cười, sao chú biết?
    Sau câu hỏi không đợi trả lời, cô gái cho xe chạy nhanh về hướng ngoại ô như cố che dấu một niềm vui đang chớm nở trong lòng, bóng xe nhòe ngay trong màn mưa dày đục. Gió quất từng cơn rào rào cùng với tiếng mưa nặng hạt như vãi nước.Từng đợt màn mưa bay xiêng theo cơn gió - có lúc thổi hắt hẳn vào mái hiên nơi tủ kính của ông Nhương-ông khẽ rùng mình- chép miệng: “ Mưa…mưa lèm nhèm tối ngày!”.
    Đường phố vẫn im vắng trong nỗi lạnh lẽo bao trùm. Bóng người thấp thoáng. Co ro-vội vã. Ông Nhương đã bao ngày ngồi nhìn cái góc phố quạnh vắng trong mưa, như nhìn soi vào chính cuộc đời tẻ lạnh của mình ,nhưng lần này-sáng nay- bỗng thấy những bóng người di chuyển co rúm trước mắt kia sao mà nhỏ bé, tội nghiệp đến vậy? Đời người sao mà cô độc và lạnh lẽo đến vậy?

    Từ xa, ông Nhương đã nhận ra mầu áo mưa của cô gái đang chạy băng qua đường-hướng về phía hiên nhà ông ngồi. Ông điềm nhiên ngồi nhìn từng cử động của cô gái-dừng xe, bước vào hiên, vội vàng cởi tấm áo mưa móc lên chiếc cột hiên nhà-nụ cười ánh lên cả đôi mắt ướt: “  Chào chú! Chú chưa nghỉ sao? “.
    - Ngồi đợi cháu mà! Ông cười.
    - Cháu làm phiền chú nhiều quá!-cô gái ngồi xuống chiếc ghế để sẵn bên cạnh .
    - Chú rất mong có người làm phiền như vậy mà dễ gì được?
    - Vậy chú không có ai “ làm phiền” cả sao?-Cô gái nhìn đứng lên mặt ông Nhương, vẻ trìu mến-lúc còn trẻ chắc chú có nhiều người thương lắm phải không?
    - Sao cháu hỏi vậy? - ông nhếch cười - không có ai làm phiền chú cả! Ông buông thõng- từ hơn chục năm nay rồi, cháu à!
    - Chú sống một mình trong căn nhà này phài không?
    - Không phải nhà của chú-ông dáp,giọng thản nhiên-chú mượn tạm hiên nhà của người bạn học cũ …
    Ông Nhương vói tay lấy chiếc kính đã lắp mặt kính mới đặt vào lòng bàn tay cô gái-“ Cháu đeo vào xem thử đi? ”.
Cô gái gỡ chiếc kính mới ra, đeo kính cũ đã sửa vào: “ Cháu trông rõ lắm chú à!”.
    - Vậy là tốt rồi! Ông nhìn cô gái như nhìn vào một con mèo con.
    - Chú cho cháu gởi tiền…
    Ông Nhương không trả lời –hỏi: “ Cháu biết tại sao lúc sáng chú nói người có gương mặt như cháu là không bao giờ phản bội ai không? “
    - Dạ không!- Đôi mắt cô gái chợt ánh lên- cười e thẹn-Cháu cũng định hỏi lại chú mà!
    - Không có gì lạ đâu!-Ông Nhương liếc nhìn cô gái giây lâu- Thuở trước,chú cũng có một cô bạn gái-nói rõ hơn, là người chú yêu-có một khuôn mặt giống cháu như đúc! Cô ấy hiền và xinh xắn lắm!
    - Rồi cô ấy đâu, chú?
    - Đang ở xa chú - ở đâu chú cũng không biết rõ-từ dạo ấy đến nay, sau ngày 15 tháng 4 năm 75 , trên 30 năm chú không được gặp lại- nghe tin cô ấy đã rời Saigon về quê , nhưng quê thì biền biệt …
    - Vẫn chờ chú? Cô gái cười dò xét.
    - Không phải chờ, mà lặng thầm thương nhớ-ông nhìn vào màn mưa trắng xóa ngoài hiên, giọng trầm trầm-mỗi người một phương trời xa lắc, bị cột chặt với bao diều khó khăn phiền nhiễu, cháu à!
    - Chú nói hơi khó hiểu…
    - Ngay chú cũng cảm thấy khó hiểu mà?
    - Sao lạ vậy?
    - Cuộc đời có nhiều điều rất lạ mà cháu !-Ông cười mơ hồ, như chú được gặp cháu sáng nay-chú tưởng như được gặp lại cô ấy cách đây 30 năm vậy!
Cô gái nửa muốn hỏi gì thêm. nửa ngại ngùng-cô lấy chiếc kính ra lau như một thói quen :” Thưa chú, Chú cho cháu gởi tiền..”.
    - Thay mặt kính cận 2 độ 75-loại tốt, giá 25 ngàn đồng…
    Cô gái kéo chiếc cặp để lên đùi, lúi cúi mò tìm chiếc bóp giấy mầu xanh để lẫn trong mấy xấp bài, sách vở-lấy ra ba chục ngàn đồng-đưa hai tay về phía ông Nhương: “ Chú cho cháu gởi-sao chú tính rẻ quá vậy?”
    Ông Nhương chỉ liếc nhìn, không cầm tiền vội mà đến mở ngăn hộc tủ kính tìm tờ giấy bạc năm ngàn .Ông loay hoay. Cô gái đã mặc xong áo mưa, đặt tiền lên mặt bàn thấp-bước ra hiên: “ Cháu gởi chú ba chục ngàn mà? “
    - Còn dư năm ngàn đây, cháu-vừa nói, ông vừa vội bước xuống bực thềm.
    - Cháu gởi chú mà-cô gái cười , khuôn mặt lóng lánh nước mưa-cháu mời chú một ly café không được sao!
    Chiếc xe đã vào số, chạy lướt tới, mưa-mưa…

    Suốt đêm mưa gió xào xạc hung bạo tưởng như ngoài trời cây cối đường sá sẽ bị rách nát hết dưới những cơn mưa dữ tháng 10. Sáng ra- phố xá vắng tênh, đường trống trơn như rộng thêm ra - mưa nhẹ hạt hơn, nhưng vẫn mưa lèm nhèm không dứt. Chiếc loa treo ở trên cột điện góc phố lập đi lập lại thông báo về cơn bão số 9 sắp vào bờ. Gió thổi bạt tiếng loa phóng thanh mỗi lúc một mạnh, nghe tiếng được tiếng mất-dường như cơn bão đang bò tới gần ? Đã qua 8 cơn bão tê tái rồi-không biết còn bao nhiêu cơn thịnh nộ của đất trời sẽ trút xuống dãi đất nghèo khó này nữa?  Ông Nhương khoát vội tấm áo mưa, dắt chiếc xe đạp xuống hiên, rướn người đạp ngược gió xuống nhà bưu điện. Chiều hôm qua nhận được giấy báo đến nhận gói gởi bảo đảm thì ngó trời đã sập tối, lại mù mịt nước mưa- dù rất nóng lòng muốn biết người gởi là ai, gởi cái gì -ông cũng không dám dầm mình trong mưa, vuợt gió mà đi được. Sống một bóng một mình lỡ ngã bệnh phải nằm mẹp xuống thì đâu có bàn tay, tiếng nói nào để ông an ủi, nương cậy? Từ ngày xa Ngân-rồi người vợ buồn tình ẵm con bỏ đi-ông kiếm sống bên chiếc tủ sửa kính ngày hai dĩa cơm quán chợ đã bao năm rồi-vẫn không hề đau ốm gì nặng. Cứ lai rai đau, uống vài viên thuốc là xong. Người ta nói ông được Trời Phật nuôi-nhưng ông nghĩ, chính ông phải nuôi ông trước. Người bạn vong niên ở dãy phố bên kia đường hằng ngày thường mò qua thăm ông- trò chuyện đủ thứ trên đời cho hết giờ nhàn rỗi không biết làm gì khi đã đong đưa ở tuổi 80 cũng vừa ra đi mấy tháng nay rồi. Xa ông-ông Nhương nhớ mãi lời ông thường lập lai để an ủi ông bằng một câu kệ “ Chư pháp tùng duyên sinh-Diệc phục tùng duyên diệt”-vậy là ông ta cũng đã “ tùng duyên diệt” rồi-có gì đâu mà buồn?. Có đôi ba người quen trong khu phố bỗng thấy vắng đi ít lâu-sau hỏi thăm, mới biết họ đã rời xa khu phố vĩnh viễn rồi!  Giống như một chuyện đùa chơi vậy.
    Đã ba hôm rồi-ông thường bị những cơn sốt, và sau đó là cái lạnh run rẫy ập đến. Ghé hiệu thuốc tây khai bệnh, mua vài liều thuốc về uống-nhưng chỉ thuyên giảm chút ít thôi. Ông chủ hiệu thuốc nói chú bị bệnh sốt siêu vi rồi-phải chích thêm Laroscorbine vietmin C 1 gam mới mau bớt được. Hỏi hộp thuốc bao nhiêu-ông ta cười : “ Tính cả kim chích, chỉ một trăm ngàn chữ mấy? ”. Một trăm ngàn mà còn chớ mấy? Ông Nhương nhớ lại lời người thiếu phụ đến sửa gương tháng trước:“ Nếu trong nhà tôi lúc ấy có được một trăm ngàn thì thằng con trai bốn tuổi của tôi đã không chết tức tưởi sớm sủa như vậy rồ!”. Ông Nhương cũng liều mạng, chỉ lấy mấy liều thuốc viên thôi-một trăm ngàn đến 10 dĩa cơm, ăn được 5 ngày mưa bão ế ẩm kia mà! Nếu “ tùng duyên diệt ” mà “ duyên” đã đến thì dầu có nằm trên đống vàng, đống thuốc như lão Xuân, bà Tuyết cũng đành bó tay mà thôi!
    Ông Nhương để xe ngã vào vách, vội mang gói bảo đảm ra săm soi như tìm kiếm ở đó dấu vết nào thân thuộc, nhưng tuyệt nhiên không-chí có tên người gởi rất xa lạ : Tạ Nguyễn Minh Trang. Minh Trang nào? Đâu có Minh Trang nào trong đầu ông từ thuở xưa đến nay?. Nơi gởi ghi quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Vậy ra là ai?
    Ông phải dùng dao xếp rọc hai lớp bao giấy chắc chắn, kéo ra được một tập giấy dày có lớp bìa cứng, được kẹp kỹ bằng chiếc kẹp xếp đã hoen rỉ. Lật vào trong -ông bàng hoàng ngã người lên thành ghế, rồi nhắm nghiền mắt lại. Ông không hề tưởng tượng ra nổi lại có thể có ngày như hôm nay . Ông không dám nhìn lại những dòng chữ thương yêu mà chính tay ông đã viết bằng nhiều nét mực đã lu mờ cách nay hơn 30 năm cho Ngân nữa…
    Gần mươi phút ngồi yên với gói thư còn cầm trên tay-ông Nhương chợt cúi xuống như một cái máy-đưa tay kéo thêm 2 tập còn lại. Tất cả 3 tập thư, mỗi tập dày trên 300 trang-đều được bao bìa cứng, kẹp kỹ bằng chiếc kẹp xếp cùng loại . Ông điềm tĩnh giở ra từng tờ thư, những cánh thư cũ đã được Ngân sắp theo thứ tự theo ngày tháng nhận được, từ lá thư đầu tiên ghi ngày 12 tháng 10 năm 1972 được ông viết tại Tuy Hòa trước ngày rời xa cái thị xã yên vắng thân thương ấy để bước vào quãng đời lận đận ( cho mãi đến ngày hôm nay.).
    Nhìn lại từng dòng chữ nhỏ li ti trên đủ loại giấy, ghi dấu đủ mọi miền mà gót chân ông đã từng đặt đến, kể cả những miền núi rừng “ không có tên gọi”. Thuở ấy, ông cứ viết rồi cho vào bao thư, dán kín-nhét vào ba lô-chờ đến ngày có người xuống phố mới nhờ gởi đi cho Ngân một lần. Có tháng, nằm lơ lửng trên đồi trong chiếc lô cốt lạnh lẽo,   Nhương viết mỗi ngày hai ba lá thư vì không biết phải làm gì cho hết ngày tháng. Tất cả đã được Ngân dồn vào trong 3 tập thư này như dồn nén vào lòng mình những nhớ thương khắc khỏai bao năm chăng? Lúc này, nỗi nhớ Ngân ngùi ngùi dâng lên trong lòng ông, mỗi lúc một mạnh- có lúc làm ông cảm thấy khó thở, phải ngã người ra thành ghế mà nhắm mắt giây lâu. Ngân đã giữ nguyên 3 tập thư này trong suốt hơn 30 năm qua sao? Nàng đã đọc nó đến bao nhiêu lần trong quảng thời gian đằng đẳng mờ mịt từ ngày xa cách ông tại ngã ba thành trưa hôm ấy?
    Một tờ thư nhỏ được gấp làm bốn nằm giữa tập thư thứ 3 rơi xuống chân ông. Ông vội cúi xuống nhặt lên, hy vọng là lá thư tâm tình cuối cùng của Ngân dành cho ông-nhưng không. Thư của Tạ Nguyễn Minh Trang;
    “ Thưa chú,
    Cháu xin được tự giới thiệu để chú khỏi ngỡ ngàng:  Cháu là người cháu gái gọi Cô Ngân bằng Cô ruột. Ba cháu là anh thứ tư-còn cô Ngân là em út. Cháu may mắn được có mặt, được gần cô trong giây phút cuối cùng của cô trên cuộc đời này. Cháu được cô tin tưởng yêu thương nhắn gởi lời cuối cùng trước giờ mất tại bệnh viên ung bướu thành phố vào lúc 21 giờ 45 ngày 12 tháng 9 vừa qua.
    Làm theo lời trăn trối của Cô-cháu đã mở chiếc tủ riêng của cô-tìm thấy 3 tập thư-và làm theo y lời cô dặn dò “ Cô nhờ cháu tìm cho ra địa chỉ của Ông Nhương-Trần Thanh Nhương, trước ở (…) sau (…)-mà gởi giúp bảo đảm cho ông ấy 3 tập thư của Cô đã gói sẵn trong ngăn tủ, cháu nhé? “. Sau hơn mấy tuần dò tìm theo những địa danh cô nói-tất cả đều trả lời “ biết tên ông ấy, nhưng hiện giờ không rõ ông đang ở đâu?” . Cháu định nhờ đăng báo “ Tìm Người Thân”; có người khuyên cháu nên nhờ đài phát thanh truyền hình để nhắn tin tìm kiếm...

    Cháu chưa quyết định nên làm theo cách nào, thì rất may-người bạn thân của cháu đang làm ở việc ở tòa soạn báo Ngày Mới-phone cho cháu là đã tìm thấy địa chỉ và cả hình ảnh của chú nữa. Cô ấy bảo “mình nhờ Google đấy! thật tuyệt diệu-cậu à!”. Qua sự hướng dẫn của cô bạn, cháu đã tìm thấy hình ảnh của chú (giống những bức ảnh còn lưu trong album của cô cháu) nên cháu rất tin tưởng gởi những gì cô cháu đã dặn lúc ra đi: “Những gì của anh, em xin gởi lại cho anh”. Cháu mong chú hãy vui lòng nhận lại “món quà một đời người” mà cô cháu rất trân quý đã gìn giữ bao năm trong nỗi cô độc và khổ đau…”
    Ngoài trời, cơn bão số 9 hình như đang đến…


 Tháng 11 năm 2008
MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét