TRANG CHỦ

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

* TRĂM NĂM TÂN LỘ KIỀU LƯƠNG - Bút ký Vĩnh Thông ( Châu Phú )



  TRĂM NĂM TÂN LỘ KIỀU LƯƠNG      

                Vầng dương mai in rõ bước chân
                Bóng trăng tối lồng theo tận gót

                              (Trích “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương ký”)

      Trong thời gian Thoại Ngọc Hầu trấn thủ Vĩnh Thanh, ngoài việc đào kinh Vĩnh Tế từ năm 1819 đến 1824 ông còn tiếp tục cho đắp một con đường chạy dài từ tỉnh thành Châu Đốc vào núi Sam từ năm 1826 đến 1827. Ngày xưa đất sâu, trũng, nhiều ao hồ ngăn lại rất bất tiện, vì thế việc đắp con đường nầy là một việc làm rất độc đáo. Con đường đắp xong, ông tứ danh là “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương” và đến năm 1828 cho dựng bia đá có khắc bài “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương ký” để kỷ niệm, nội dung bia nói về việc làm đường và lợi ích của con đường. Khi có đường xá thông thương, ông huy động sức dân lập nên các làng mạc bên bờ kinh Vĩnh Tế, bao gồm các làng Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông. Mới đây đã ngót hai 




trăm năm… Tấm bi ký trứ danh một thời nay đã không còn. Nó đã cùng gió bụi thời gian hòa vào từng thớ đất của vùng biên cương xa xôi. Nhưng, con đường Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương còn đó, 5 ngôi làng kể trên ngày thêm trù mật, cùng với khu Lăng mộ của ông ngày ngày không ngớt khói hương. Ta không thể nào quên được công nghiệp của Thoại Ngọc Hầu trong những công tác kiến thiết biên cương năm nào. Con lộ đó, làng mạc kia, và khu sơn lăng yên bình gợi cho ta bao niềm thương nhớ mà bất cứ người con An Giang xa quê nào cũng phải bịn rịn. Tôi từng được đọc trong quyển “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” của cố học giả - nhà văn Nguyễn Văn Hầu - một người đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, ghi chép và để lại cho đời những tác phẩm nghiên cứu vô cùng giá trị về miền Tây Nam bộ. Quyển sách nêu trên là một tác phẩm lớn, tôi khẳng định thế. Vì qua lời kể của tác giả, ta mới thấy được hết sự khó khăn của người xưa mở đất, lại càng thêm trân quý tấm lòng của tác giả với quê nhà khi đã dày công nghiên cứu ở nhiều địa điểm, nhiều tài liệu. Một chi tiết làm tôi hiếu kỳ và cũng không khỏi xúc động, đó là nhà văn Nguyễn Văn Hầu đã đến tận núi Sam đào những nơi mà ông nghi ngờ để tìm tấm bia “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương ký”. Một việc không tưởng có thể thành công. Đã qua hàng trăm năm, bao lần lũ lụt, bao lần đắp đường, xây dựng nhà cửa… chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho tấm bia chìm sâu trong lòng đất. Nhà văn đã quá trân trọng dấu xưa, nhưng có lẽ không có kết quả gì. Ấy thế mà, ông đã thành công, dầu không trọn vẹn. Qua ba lần đào đất ông đều tìm được những dấu vết ban đầu về tấm bia nầy. Lần đầu tìm được một vài mảnh vỡ, chưa dám khẳng định đây là mảnh vỡ của tấm bia. Lần hai là nguyên vẹn cái chân bia. Và lần ba, ông đã tìm được một góc trái phía trên đầu của tấm bia, nhưng rất tiếc chữ đã mòn không còn đọc được, chỉ thấy lờ mờ mấy chữ “Châu Đốc Tân Lộ…”. Mặc dù bi ký không còn, nhưng ngày nay ta vẫn còn lưu giữ được một đoạn cuối bài ký nầy do một vị cao nhân nào đó chép lại và học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh đã dịch ra. Đặc biệt, trong bài bi ký nầy có một chi tiết làm người đời sau phải chú ý, đó là việc tiền nong để đắp đường. Đáng lý ra đường sá phải được triều đình đứng ra thực hiện, nhưng thực tế thì Thoại Ngọc Hầu chỉ xin “lệnh trên” phê chuẩn. Còn chi phí làm đường do bổng lộc cá nhân ông và các quan viên lân cận quyên góp, nhân dân hỗ trợ sức người và xe cộ. Và cuối bài bi ký ông chỉ khiêm tốn nhận xét việc mình làm rằng: “Làm việc ấy chính là đã tỏ chút lòng đền đáp của kẻ chăn dân”. Như vậy ông đã tự xin được làm đường, tự huy động sức dân, tự bỏ tài sản ra để làm sở phí, cùng nhân dân chung lưng lo cho sự nghiệp cộng đồng. Ấy vậy mà ông chỉ xem việc nầy là sự đền đáp của ông đối với cộng đồng. Thực tế đáng lý ra ông không có gì phải cần đền đáp cộng đồng cả, mà đúng hơn là cộng đồng phải đền đáp những công lao to lớn của ông. Nhưng ông cho rằng mình phải làm thế, đó là bổn phận của một con người chứ không phải là nhiệm vụ của một vị quan.Tại miền Nam và thậm chí cả nước, hiếm có vị quan nào thanh liêm và lo cho dân như thế! Tôi trở lại Tân Lộ Kiều Lương vào một buổi trưa hè đầy nắng, hai bên đường phượng lả tả bay đỏ trời quê núi thân thương. Con đường xưa - nay đã trở thành Quốc lộ phơi mình dưới cái nắng 


“sáu tháng đạp đất đồng khô” của An Giang. Hai bên đường nhà cửa, dự án đang dần mọc lên. Có lần tôi được xem bức ảnh chụp con lộ nầy những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, con đường chỉ là độc đạo, không nhà, không xóm, cây che bóng mát cũng không, chỉ có vài bụi cỏ thấp liêu xiêu trong gió. Những năm cuối thế kỷ XX mà con đường còn hoang vắng thế, thử hỏi thời Thoại Ngọc Hầu thì việc đi qua lại con đường nầy còn khó khăn đến độ nào? Nghĩ đến Tân Lộ Kiều Lương xưa, sực nhớ “Sơn phòng xuân sự” của Sầm Than: “Lương viên nhựt mộ loạn phi nha/Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia/Đình thụ bất tri nhân khứ tận/Xuân lai hoàn phát cựu thì hoa”. Cảnh đìu hiu vắng vẻ, cỏ cây núi đá vô tri làm sao biết người đi mất, song cứ mỗi xuân sang hoa lại nở, không cần quan tâm có ai thưởng thức hay không, cứ như có hẹn với nhân thế, với cõi đời nên chúng tự nhiên nở mà không cần bẻ mình làm dáng với ai. Hòn núi Sam kia và Tân Lộ Kiều Lương cũng thế, cứ tự nhiên hòa cùng nhịp thở trăm năm! Mới ngày nào còn hoang vắng, vậy mà giờ nơi đây sắp trở thành đô thị. Con đường chạy dài xanh tít về phía núi Sam. Chỉ có vài cây số nhưng nó đọng lại trong lòng người biết bao hoài niệm. Nhìn từ trên núi Sam xuống, Tân Lộ Kiều Lương giống như con rắn lượn vòng vèo giữa làng mạc, xóm thôn, dưới chân núi là nhà cửa chi chít, xa hơn là ruộng đồng, kinh rạch xanh lơ, và đô thị Châu Đốc nằm tít xa quyện với sương mờ. Trong văn bia “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương ký” viết rằng đường phải đi qua bốn cái đầm và mỗi nơi đều được Thoại Ngọc Hầu cho bắc cầu ván kiên cố để người và xe qua lại dễ dàng. Thì ngày nay, bốn cây cầu vẫn còn đó, mặc dù đã bao lần xây dựng lại, nhưng ta cũng nên nhớ rằng những cây cầu đầu tiên là do Thoại Ngọc Hầu bắc. Trăm năm nước vẫn xanh dòng, vẫn là núi quyện màu mây, mây in dáng núi, con đường hàng trăm tuổi nầy gợi lại cho người An Giang biết bao niềm nhớ niềm thương. Khó tả thành lời lắm! Ngót trăm năm, bao nhiêu lần dâu bể, cuộc thế đổi xoay, nhưng cái tầm vóc kỳ vĩ người xưa gửi gắm vào từng tấc đất thì không thể phủ nhận. Công đức của Thoại Ngọc Hầu vẫn chưa và sẽ không thể phai mờ. Trăm năm vẫn còn đây vẻ đẹp tự nhiên của Thoại Hà - Vĩnh Tế Hà, còn đây dáng đứng lớn lao uy võ của Thoại Sơn - Vĩnh Tế Sơn. Chúng ta tự hào vì hai ngọn núi, hai dòng kinh mang tên ông và phu nhân, ân huệ đó không quá lớn lao như lời trong bia Vĩnh Tế Sơn và bia Thoại Sơn, mà theo cá nhân người viết bài nầy thì chỉ bấy nhiêu là chưa xứng đáng. Nhưng có lẽ niềm an ủi lớn nhứt là Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam vẫn trầm mặc cùng thời gian, mỗi ngày không ngớt khói hương. Cũng bên cạnh đó, nhân dân tôn kính gọi ông với danh xưa gần gũi hơn so với cái tước Hầu, cái chức Khâm sai của ông rất nhiều, đó là “Ông Quan lớn Bảo hộ”. Người ta gọi Lăng Thoại Ngọc Hầu là Lăng Quan lớn Bảo hộ với câu ca dao xưa đến nay vẫn còn truyền lại: “Nước kinh Vĩnh Tế lờ đờ/Nhớ Ông Bảo hộ cặm cờ chiêu an”.Hoặc là câu:“Đi ngang qua cảnh núi Sam, Thấy Lăng Ông lớn hai hàng lụy rơi, Ông ngồi vì nước vì đời, Hy sinh tài sản không rời nước non”. Thì, những người An Giang chúng tôi - hỏi làm sao không nhớ, không thương? Chiều nay đi qua Tân Lộ Kiều Lương, chạnh lòng nhớ về người cũ. Ta gọi đó là “ân đức” chứ không đơn thuần chỉ là “công lao”. Một cánh phượng rơi trên Tân Lộ Kiều Lương, một cánh én bay trên đỉnh non Sam, vài chiếc thuyền chạy dọc kinh Vĩnh Tế, tất cả đầy xao xuyến, đầy thi vị và làm người ta phải nặng lòng. Phải chăng đó là khi tâm hồn ta rung nhịp cảm hoài trong mớ ký ức xa xưa, trong câu chuyện mà bà hay kể? Biết đâu rằng, có thể anh linh người mở cõi còn phảng phất chốn nầy, có thể một gốc cây nào đó bên đường từng do người mở cõi trồng nên và có thể tổ tiên ta cũng từng có người làm dân phu đắp nên con đường đó? Có thể lắm chứ! Tất cả chỉ là có thể nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ta tự hào. Mặc cho cuộc thế xoay vần suốt trăm năm, ta vẫn tự hào có một Tân Lộ Kiều Lương chạy dài mãi trong lòng người…

VĨNH THÔNG
( Châu Phú )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét