TRANG CHỦ

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

* DI TÍCH ĐÌNH THẦN BÌNH THỦY - Biên khảo của Vĩnh Thông



            DI TÍCH ĐÌNH THẦN BÌNH THỦY
                                                      Biên khảo VĨNH THÔNG

      Đình thần Bình Thủy (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang) là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được thành lập cách nay hơn 200 năm. Đi theo Quốc lộ 91 đến địa phận huyện Châu Phú, bạn sẽ gặp một vùng đất thuần nông trù phú, đó chính là cù lao Năng Gù - xã Bình Thủy. Từ bên sông nhìn sang có thể thấy Đình thần Bình Thủy uy nghi cổ kính, mặt tiền hướng về sông Năng Gù. 

     Ông Dương Văn Hóa là một lưu dân miền Trung vào lập nghiệp tại vùng Cần Lố (Đồng Tháp). Năm 1783 ông đến khai khẩn cù lao Năng Gù và lập thôn Bình Lâm, nay là xã Bình Thủy. Đình thần Bình Thủy cũng được thành lập từ buổi ấy. Do nhu cầu tín ngưỡng tâm linh ở vùng đất mới khai phá là rất cần thiết, nên cụ Dương Văn Hóa đã cùng nhân dân dựng nên đình làng làm bằng tre lá đơn sơ.
     Theo truyền khẩu, đình bị cháy vào năm 1850. Bấy giờ Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên truyền giáo ngang đây đã hướng dẫn dân làng cất lại đình để có nơi thờ phượng. Càng về sau, đời sống cư dân thêm sung túc, nhu cầu tín ngưỡng tăng cao, nên ngôi đình cũng có điều kiện được tổ chức trùng tu, tôn tạo thường xuyên hơn và càng trở nên khang trang.
     Lần đại tu gần đây nhất của Đình thần Bình Thủy là năm 1972. Kiến trúc mới nguy nga, đồ sộ và mang màu sắc hiện đại. Bên cạnh đó, qua số năm khắc trên các công trình ta có thể thấy một đôi lần trùng tu nhỏ lẻ, như năm 1949 xây bình phong, năm 1964 xây lại tam quan… Đến nay, đình vẫn thường được trùng tu nhỏ hoặc trang trí thêm nhiều vật dụng làm tăng vẻ quý phái nhưng không kém phần uy nghiêm cho di tích nầy.
     Đình thần Bình Thủy ngày nay trang nghiêm và cổ kính, kiến trúc theo hình chữ Tam, nóc cổ lầu tam cấp chồng lên nhau theo kiểu “thượng lầu hạ hiên”. Nóc đình lợp ngói âm dương qua thời gian nay đã rêu phong, có điểm xuyến lưỡng long tranh châu, linh thú và nhiều hoa văn. Ngoại thất hài hòa kết hợp giữa phong cách truyền thống cung Đình triều Nguyễn và nét đặc trưng của kiến trúc đền miếu miền sông nước Tây Nam bộ. Khác hẳn với một số đình trong khu vực, Đình Bình Thủy còn có thêm lối kiến trúc khoáng đãng, sang trọng của phương Tây, thể hiện qua mặt tiền ốp gạch tường sang trọng, kiểu cửa vuông và các cửa thông gió phong cách hiện đại, thanh lịch…
     Khuôn viên đình khá rộng, cổng tam quan tao nhã, trên có dòng chữ Quốc ngữ “Đình Thần Bình Thủy”, dưới có dòng chữ Hán “Bình Thủy Thần Miếu”. Cổng lợp ngói âm dương, trên có lưỡng long tranh châu, hai bên là cặp đối bắng chữ Hán đắp nổi, sơn vàng trên nền đỏ. Bình phong của đình được đắp năm 1949, mặt trước hình nai tượng trưng cho buổi đầu khai phá, mặt sau hình rồng hổ tượng trưng cho sức mạnh thần linh. Bình phong do ông Huỳnh Văn Đoan vẽ, ông trước làm Hương sư rồi sau là Hương quản trong làng. Sau bình phong là đàn tế Xã Tắc, ngầm hiểu là Xã thần (Thần đất) và Tắc thần (Thần nông). Tiếp theo là đến miếu Ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung phương). Bên cạnh Đình miếu thờ “Xã cọp” - một con hổ có nghĩa với dân làng nên được tôn làm Xã trưởng, hàng năm vẫn cúng kiến. Đặc biệt, quanh đình có nhiều cây cổ thụ rợp mát cả một vùng rộng lớn, tương truyền đã có từ buổi đầu mở đất.
     Nếu nhìn tổng thể ngoại thất của Đình thần Bình Thủy rất giản dị thì ngược lại, nội thất lại rất hoành tráng, sắc sảo. Bên trong đình có nhà Võ ca, nơi diễn ra hát bội và khai Lễ Kỳ Yên hàng năm. Sân khấu dành cho hát bội được đắp cao, xây gạch, cột vuông cũng bằng gạch với những cặp câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng tạo thành bốn trụ đứng. Kế đến là Tiền điện (còn gọi là Võ quy) rất rộng, dành cho lễ bái. Cuối cùng là Chánh điện nơi đặt các bàn thờ.
     Trong các gian thờ ở Chánh điện, giữa là bàn thờ Hội đồng văn võ được xem như các quan theo phò tá Thần, hai bên là hai dãy binh khí. Trên cao hết là ngai thờ Thần lúc nào cũng khói hương nghi ngút với bức đại tự sơn son thếp vàng chữ “Thần” bằng chữ Hán được xem là linh hồn của Đình làng. Hai bên là các ngai thờ Tả ban, Hữu ban, Tiên sư, Hậu tắc, Tiền hiền Hậu hiền, Hương quan Hương chức, Thiên xứ linh quang, Bạch mã thái giám. đối xứng nhau. Mỗi trang thờ, khánh thờ đều được chạm trổ tỉ mĩ, các chữ Hán, hoa văn, đường nét rất tinh tế, mỗi bàn thờ đều có cẩn ốc xà cừ lấp lánh.
     Nghệ thuật Đình thần Bình Thủy thể hiện rõ nét qua kết cấu kiến trúc, cách thức sếp đặt các ngai thờ, kỹ thuật chạm khắc, các màu sắc và hoa văn trang trí thể hiện tài hoa và sự tinh tế của người xưa. Nội thất của Đình nổi bật với nhiều bản điêu khắc gỗ, phù điêu, tranh sơn thủy, các bao lam thành vọng, hoành phi, liễn đối, khánh thờ… tất cả đều được sơn son thếp vàng và chạm trổ hoa văn tinh vi sắc sảo với các đề tài tứ linh, hoa lá, bát tiên… Đó là sự kết hợp vừa trang nghiêm vừa hài hòa, tao nhã, tượng trưng cho âm dương hòa hợp và cầu mong sự thái bình, sung túc.
     Vào thập niên 30 (thế kỷ XIX), Ban Hội Tề làng Bình Thủy đã viết Sớ gửi tới triều Đình nhà Nguyễn để thỉnh cầu Sắc phong. Mùa xuân năm 1944 vua Bảo Đại ban “Sắc Tứ Phong Thần” Thần hoàng bổn cảnh làng Bình Thủy với tước hiệu “Tỉnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Nên hiểu, “trung Đẳng thần” là cấp bậc to, thường phong cho những danh nhân có công to, có uy danh. Cao hơn “Trung đẳng thần” là “Thượng đẳng thần”, nhưng “Thượng đẳng thần” là trường hợp rất hiếm ở Nam bộ, như trường hợp Nguyễn Hữu Cảnh ở Đình Châu Phú (Châu Đốc). Vậy thì thần làng Bình Thủy cũng là vị thần có danh tiếng lớn. Dưới đây là nguyên văn bản Sắc thần của làng Bình Thủy:
     * Phiên âm: “Sắc Long Xuyên tỉnh, Tỉnh Thành quận, Định Thành tổng, Bình Thủy thôn phụng sự Bổn cảnh Thần hoàng tôn thần hộ quốc tí dân. Niệm trứ linh ứng tứ kim phi thừa, cảnh mệnh miến niệm Thần hưu trứ phong vi Tỉnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần. Chuẩn kỳ phụng sự tịch cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Bảo Đại thập cửu niên tam nguyệt nhị thập nhị nhựt”
     * Dịch nghĩa: “Sắc cho tỉnh Long Xuyên, quận Tỉnh Thành, tổng Định Thành, thôn Bình Thủy được thờ phượng vị phúc thần sở tại đã từng giữ nước giúp dân. Xét thấy xưa từng linh ứng, nay vâng mệnh cả, nhớ đến công lao của Thần ngày trước nên phong là Tỉnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần. Cho phép được thờ phượng để Thần che chở cho dân của ta. Kính nghe ! Bảo Đại năm thứ mười chín (1944) ngày hai mươi hai tháng ba”.
     Lễ hội Kỳ Yên Đình Thần Bình Thủy là một lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương được tổ chức vào ngày mùng 9 - 10 - 11 tháng 5 âm lịch hằng năm. Dịp nầy, những người con Bình Thủy lập nghiệp nơi xa đều cùng nhau trở về, không chỉ để dự lễ hay sum họp bạn bè, mà còn là lưu dấu chút tình nghĩa với kỉ niệm làng quê. Bên cạnh đó, lễ hội còn thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài địa phương đến tham dự.
     Đặc biệt là Cuộc thi đua thuyền truyền thống - nét độc đáo của Bình Thủy. Đua thuyền truyền thống đã có từ khoảng nửa thế kỷ, ban đầu là hình thức thi thố tài năng trong xóm, dần dần có thưởng và trở thành trò chơi chính thức được đưa vào lễ hội hàng năm. Xã Bình Thủy cũng vinh hạnh nhiều năm liền được chọn là đội tuyển đại diện cho tỉnh An Giang thi cấp khu vực và toàn quốc, năm nào cũng có giải thưởng cao, đem vinh dự về cho tỉnh nhà. Đua thuyền ở Bình Thủy từ lâu đã trở thành đặc trưng, thế mạnh và càng lúc càng thu hút nhiều du khách.
     Đình thần Bình Thủy đã tồn tại sừng sững qua hai thế kỷ, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cù lao Năng Gù - xã Bình Thủy, đồng thời là chứng nhân cho bao thăng trầm, biến cố của lịch sử. Di tích Đình thần Bình Thủy ngày nay vẫn uy nghiêm cổ kính giữ làng quê bình dị. Ngôi đình vẫn giữ được kiến trúc xưa mang đậm nét nghệ thuật truyền thống của vùng đất phương Nam, đồng thời bảo tồn được nhiều di sản có giá trị.


VĨNH THÔNG 

( Bình Mỹ - Châu Phú )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét