TRANG CHỦ

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

* CHÂU ĐỐC - thơ Trúc Thanh Tâm


       CHÂU ĐỐC

Anh về Châu Đốc nghe em kể
Mà thương con nước rẽ ba dòng
Chùa Bà Bài bên kinh Vĩnh Tế
Đường mòn Đất Cúng dười mưa giông !


Đầu Bờ, Bến Vựa rồi Bến Đá
Núi Sam phượng nở tới đỉnh cao
Nhìn xuống ruộng đồng xanh bát ngát
Không khí trong lành thêm nhớ nhau !


Chiều xuống Cầu Quan nghe sông hát
Kinh Ông Cò, đường lá me bay
Cây Bồ Đề mang từ Ấn Độ
Cầu sắt An Biên thương nhớ ai !


Trường Đua, anh thở hồn hương lúa
Thoại Ngọc Hầu mở đất, chưa vơi
Chùa Bà vẫn khói nhang nghi ngút
Tiếng chuông ngân, ngộ đạo và đời !


Châu Đốc quê mình thêm đẹp lạ
Hai chiếc cầu nối nhịp bờ vui
Tình yêu còn mãi trong ánh mắt
Anh nắm tay em nở nụ cười !


 Châu Đốc, mùa lễ hội 2010
TRÚC THANH TÂM
_____

TÌM HIỂU THÊM :

1/- Một số hình ảnh xưa có liên quan tới Châu Đốc : Bấm Đây
2/- An Giang Đất và Người ( Truyền hình An Giang ) : Bấm Đây
3/- Đường Đất Cúng, Trường Đua, Cầu sắt An Biên, kinh Ông Cò, cây Bồ Đề ( Bồ Đề Đạo Tràng ) : Thuộc phường Châu Phú A.
4/- Kinh Vĩnh Tế: Do Ông Thoại Ngọc Hầu chủ trương đào từ Châu Đốc tới Hà Tiên dài hơn 90 cây số.
5/- Chùa Bà Bài: Nằm trên bờ kinh Vĩnh Tế, thuộc xã Vĩnh Tế.
6/- Đầu Bờ, Bến Vựa, Bền Đá, Núi Sam, Miếu Bà Chúa Xứ : Thuộc phường Núi sam.
7/- Cầu Quan: Nằm phía bờ sông, công viên 30 tháng 4 ( tượng đài Cá Ba Sa ), thuộc phường Châu Phú B .
8/- Hai chiếc cầu :
. Cầu Vĩnh Nguơn : Nối liền Châu Đốc với phường Vĩnh Nguơn qua kinh Vĩnh Tế, nơi đây có ngôi đình cổ Vĩnh Nguơn.
. Cầu Cồn Tiên : Nối liên Châu Đốc với huyện An Phú, với Búng Bình Thiên ( Hồ Nước Trời ) nơi có nhiều người Chăm sinh sống, rồi tới Long Bình qua biên giới Campuchia.
9/- Tôi đến Châu Đốc năm 1970, bấy giờ vẫn còn nhiều khu nhà cổ và có kỷ niệm với quán cà phê Mây Biên Thùy nằm trên đường Bảo Hộ Thoại (Nguyễn Văn Thoại). Năm 1989 tôi về Châu Đốc sinh sống vần còn đường Đất Cúng, kinh Ông Cò và cầu sắt An Biên.
( Những địa danh trên, một số đã mất dấu theo thời gian, nhưng về Châu Đốc hỏi ra thì người dân vẫn còn biết ).
___


1. THỜI PHÁP THUỘC :

- Châu Đốc nguyên là đất thuộc Chân Lạp, gọi là Tầm Phong Long (Kompong Long). Năm 1757, vua Chân Lạp dâng đất này cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn đặt đạo Châu Đốc nối liền với trấn Hà Tiên.
- Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực hành chính lại chia nhỏ thành các tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement administratif) thì Châu Đốc là hạt tham biện thuộc khu vực hành chính Bát Xắc (Bassac), vốn là phần đất tỉnh An Giang xưa.
- Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Châu Đốc trở thành tỉnh Châu Đốc. Năm 1903, tỉnh Châu Đốc có 3 quận: Tân Châu, Tri Tôn và Tịnh Biên. Đến năm 1919 có thêm quận Châu Phú và năm 1929 có thêm quận Hồng Ngự được tách từ tổng An Phước quận Tân Châu. Tỉnh lỵ đặt tại làng Châu Phú thuộc quận Châu Phú. Tỉnh Châu Đốc giáp Campuchia (phía bắc), các tỉnh Tân An (phía đông bắc), Long Xuyên (phía đông nam và nam), Hà Tiên và Rạch Giá (phía tây nam và nam).
- Từ năm 1913 đến năm 1924, tỉnh Hà Tiên bị giải thể, trở thành một quận thuộc tỉnh Châu Đốc. Sau đó, lại tách ra trở thành tỉnh Hà Tiên độc lập như trước.
- Năm 1939, tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Thành, Tân Châu, Hồng Ngự, Tịnh Biên, Tri Tôn.
. Quận Châu Thành có 3 tổng: An Lương (10 làng), An Phú (11 làng), Châu Phú (10 làng)
. Quận Tân Châu có 2 tổng: An Lạc (3 làng), An Thành (8 làng)
. Quận Hồng Ngự có 2 tổng: Cù Lao Tây (3 làng), An Phước (8 làng)
. Quận Tịnh Biên có 3 tổng: Quy Đức (4 làng), Thành Tín (2 làng), Thành Ý (5 làng)
. Quận Tri Tôn có 3 tổng: Thành Ngãi (5 làng), Thành Tâm (2 làng), Thành Ý (3 làng)
Trong đó, quận Châu Thành được thành lập năm 1917, đến năm 1919 thì đổi tên là quận Châu Phú. Tuy nhiên năm 1939 lại đổi về tên quận Châu Thành như cũ.

2. GIAI ĐOẠN : 1945-1954

- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Châu Đốc là một trong 21 tỉnh ở Nam Bộ.
- Ngày 12 tháng 9 năm 1947, theo chỉ thị số 50/CT của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ (chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa), lúc bấy giờ có sự thay đổi sắp xếp hành chính của tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên, thành lập các tỉnh mới có tên là Long Châu Tiền và Long Châu Hậu như sau:
. Tỉnh Long Châu Tiền nằm ở phía bờ trái (tả ngạn) sông Hậu, hai bên sông Tiền, thuộc khu 8 và có 5 quận: Tân Châu, Hồng Ngự, Chợ Mới, Châu Phú B và Lấp Vò. Ngày 14 tháng 5 năm 1949, quận Lấp Vò được trả về tỉnh Sa Đéc. Cũng trong năm đó, quận Tân Châu của tỉnh Long Châu Tiền chia thành 2 quận mới Phú Châu và Tân Châu.
. Tỉnh Long Châu Hậu nằm ở phía bờ phải (hữu ngạn) sông Hậu và có 6 quận: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thốt Nốt, Thoại Sơn, Châu Phú A và Châu Thành (bao gồm 2 tỉnh lỵ Long Xuyên và Châu Đốc).
- Đến tháng 10 năm 1950 tỉnh Long Châu Hậu hợp nhất với tỉnh Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà. Tháng 6 năm 1951, tỉnh Long Châu Tiền hợp nhất với tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Long Châu Sa.
- Tên các tỉnh Long Châu Tiền, Long Châu Hậu, Long Châu Sa và Long Châu Hà. Chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không công nhận.
- Năm 1954, chính quyền Việt Minh giải thể các tỉnh Long Châu Sa, Long Châu Hà, đồng thời khôi phục lại tỉnh Châu Đốc, tỉnh Long Xuyên, tỉnh Sa Đéc và tỉnh Hà Tiên như trước đó.

3. GIAI ĐOẠN : 1954-1975

a- Chánh quyền Sài Gòn :

- Ban đầu, chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa vẫn duy trì tên gọi tỉnh Châu Đốc như thời Pháp thuộc.
- Năm 1955 tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự với 70 xã.
- Ngày 17 tháng 2 năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa tách quận Hồng Ngự ra khỏi tỉnh Châu Đốc để nhập vào tỉnh Phong Thạnh mới thành lập (sau đó lại đổi tên thành tỉnh Kiến Phong). Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên trước đó. Cũng sau năm 1956, các làng gọi là xã.
- Lúc này ở vùng đất cả hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc trước đó đều có quận Châu Thành cả. Tuy nhiên, do tỉnh lỵ tỉnh An Giang có tên là "Long Xuyên" và được đặt ở quận Châu Thành thuộc tỉnh Long Xuyên cũ, cho nên quận Châu Thành thuộc tỉnh Châu Đốc cũ được đổi tên là quận Châu Phú như ở giai đoạn 1919-1939.
- Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Thủ Tướng chính quyền mới của Việt Nam Cộng Hòa ký Sắc lệnh số 246/NV quy định kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1964 tái lập tỉnh Châu Đốc trên cơ sở các quận Châu Phú, Tân Châu, An Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên cùng thuộc tỉnh An Giang trước đó. Tỉnh Châu Đốc khi đó bao gồm 5 quận:
. Quận Châu Phú: gồm 14 xã, quận lỵ đặt tại xã Châu Phú
. Quận Tân Châu: gồm 8 xã, quận lỵ đặt tại xã Long Phú
. Quận Tri Tôn: gồm 15 xã, quận lỵ đặt tại xã Tri Tôn
. Quận Tịnh Biên: gồm 8 xã, quận lỵ đặt tại xã An Phú
. Quận An Phú (được thành lập vào năm 1957): gồm 13 xã, quận lỵ đặt tại xã Phước Hưng.

- Tỉnh lỵ tỉnh Châu Đốc khi đó lại có tên là "Châu Phú", do nằm trong địa bàn xã Châu Phú, quận Châu Phú.

b- Chính quyền Cách mạng :

- Năm 1957, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng giải thể và sáp nhập hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc với nhau để thành lập một tỉnh mới, vẫn lấy tên là tỉnh An Giang như phía chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện vào năm 1956.
- Trong giai đoạn 1964-1971, địa bàn tỉnh Châu Đốc của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn do tỉnh An Giang của chính quyền Cách mạng quản lý.
- Năm 1971, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập tỉnh Châu Hà, tách ra từ tỉnh An Giang, trên phần đất tỉnh Châu Đốc và tỉnh Hà Tiên trước năm 1956. Đến tháng 5 năm 1974 chính quyền Cách mạng lại giải thể tỉnh An Giang, tái lập các tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Tiền bao gồm cả một phần vùng đất tỉnh Long Xuyên trước năm 1956.
- Tỉnh Long Châu Tiền gồm 6 huyện, thị: Thị xã Tân Châu, An Phú, Phú Tân A, Phú Tân B, Hồng Ngự và Tam Nông (nay là huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp).
- Tỉnh Long Châu Hà mới gồm 8 huyện: Châu Thành B, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức, Châu Thành A, Hà Tiên, Phú Quốc và 2 Thị xã Long Xuyên, Châu Đốc.
- Tuy nhiên, tên các tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Tiền cũng không được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa công nhận, mà thay vào đó vẫn sử dụng tên tỉnh Châu Đốc cho đến năm 1975.
- Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, chính quyền Quân quản Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn duy trì các tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Tiền như trước đó cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng “quận” có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).
- Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc “nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước”. Theo Nghị quyết này, địa bàn các tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Tiền sẽ được chia ra và sáp nhập vào các tỉnh mới, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên. Cụ thể như sau:
. Tỉnh Rạch Giá (ngoại trừ 2 huyện Vĩnh Thuận và An Biên) cùng với toàn bộ diện tích tỉnh Long Châu Hà và huyện Thốt Nốt của tỉnh Cần Thơ sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh.
. Tỉnh Long Châu Tiền, tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Tường sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh

- Nhưng đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị lại ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó chỉ hợp nhất một phần các tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà trước đó lại thành một tỉnh mới. Địa bàn tỉnh mới này sẽ tương ứng với tỉnh Châu Đốc và tỉnh An Giang thời Việt Nam Cộng Hòa, ngoại trừ huyện Thốt Nốt.
- Sau năm 1975, tỉnh Châu Đốc bị giải thể, sáp nhập vào tỉnh An Giang theo sự phân chia sắp xếp hành chính của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
- Địa bàn tỉnh Châu Đốc cũ ngày nay tương ứng với các huyện Châu Phú, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Phú Tân, Thành phố Châu Đốc và Thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang. Nếu kể luôn thời điểm trước năm 1956 thì tỉnh Châu Đốc bao gồm thêm huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và Thị xã Hồng Ngự ngày nay cùng thuộc tỉnh Đồng Tháp.
- Hiện nay, địa danh " CHÂU ĐỐC " chỉ còn được dùng để chỉ Thành phố Châu Đốc, đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh An Giang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét