TRANG CHỦ

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

* CHÂU ĐỐC NGÃ BA SÔNG - thơ Trúc Thanh Tâm

        
   ( Ngã ba sông - Châu Đốc )
     




CHÂU ĐỐC NGÃ BA SÔNG

 





Thất Sơn ơi, vùng An Giang hùng vĩ
Châu Đốc thương con nước rẽ ba dòng
Về Vĩnh Tế nhớ ơn ông Đạo Lập
Chùa Bà Bài còn dấu tích Càn Long


Đầu Bờ, Bến Vựa rồi Bến Đá
Núi Sam phượng nở tới đỉnh cao
Tân lộ Kiều Lương thời mở đất
Đất Cúng mưa chiều thêm nhớ nhau

Bồ Đề Đạo Tràng vi vu tiếng gió
Kinh Ông Cò, đường lá me bay
Ra Cầu Quan nhìn làng bè say nắng
Cầu sắt An Biên thương nhớ ai

Lăng Thoại Ngọc Hầu và mái đình Châu Phú
Đường Trường Đua chầm chậm ánh chiều rơi
Chùa Bà vẫn khói nhang nghi ngút
Tiếng chuông ngân, hai ngã đạo - đời

Cá Linh non, thương mùa nước nổi
Cầu nối liền bờ bao nhịp đời vui
Tình yêu còn mãi trong ánh mắt
Châu Đốc quê mình, ai hát lý nàng ơi !


TRÚC THANH TÂM
 ( Châu Đốc )

TÌM HIỂU THÊM :


1/- Đường Đất Cúng, Trường Đua, Cầu sắt An Biên, kinh Ông Cò, Bồ Đề Đạo Tràng, đình Châu Phú: Thuộc phường Châu Phú A. Đường Đất Cúng nay là đường Cử Trị. Một số nơi chỉ còn trong ký ức như: Trường đua, cầu sắt An Biên, kinh Ông Cò

2/- Kinh Vĩnh Tế: Do Ông Thoại Ngọc Hầu chủ trương đào từ Châu Đốc tới Hà Tiên dài hơn 90 cây số.

3/- Chùa Bà Bài ( chùa Bồng Lai ): Nằm trên bờ kinh Vĩnh Tế, thuộc xã Vĩnh Tế.TP.Châu Đốc, do ông Đạo Lập khởi công xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, sau khi ông Thoại Ngọc Hầu đào xong kinh Vĩnh Tế. Nơi đây còn một cây thẻ từ thời vua Càn Long do pháp sư Cao Biền cắm. ( Hàng năm lễ giỗ ông Đạo Lập được tổ chức vào ngày 29-30 tháng 9 âm lịch ).

4/- Đầu Bờ, Bến Vựa, Bền Đá, Núi Sam, Miếu Bà Chúa Xứ. lăng Ông Thoại : Thuộc phường Núi sam.

5/- Cầu Quan: Nằm phía bờ sông, công viên 30 tháng 4 ( Hiện nay là tượng đài Cá Ba Sa ), thuộc phường Châu Phú B .

6/- Châu Đốc có 3 cây cầu lớn :

- Cầu Vĩnh Nguơn : Nối liền Châu Đốc với phường Vĩnh Nguơn qua kinh Vĩnh Tế, nơi đây có ngôi đình cổ Vĩnh Nguơn.

- Cầu Cồn Tiên : Nối liền Châu Đốc với huyện An Phú, với Búng Bình Thiên ( Hồ Nước Trời ) nơi có nhiều người Chăm sinh sống, rồi tới Long Bình qua biên giới Campuchia.

- Cầu Châu Đốc ( thay thế phà Châu Giang ): Bắc qua nhánh sông Hậu, nối liền TP. Châu Đốc với Thị xã Tân Châu ( tương lai ). 7/- Tôi đến Châu Đốc năm 1970, ở trung tâm chợ lúc bấy giờ còn quán cơm xã hội, rạp chiếu bóng Tân Việt, Lạc Thanh, còn cầu sắt An Biên, kinh Ông Cò và các nhánh nhỏ, quán cà phê Mây Biên Thùy trên đường Bảo Hộ Thoại, ngã 3 sông còn Cầu Quan và còn nhiều khu nhà cổ.
Năm 1989, tôi về Châu Đốc sinh sống vẫn còn đường Đất Cúng, cầu sắt An Biên, kinh Ông Cò. Những địa danh trên, theo sự tiến hóa của xã hội một số đã mất dấu theo thời gian. Nhưng dân Châu Đốc thì không dễ gì quên !


    
 - Chợ Châu Đốc xưa


- Miếu Bà Chúa Xứ xưa


 - Chùa Bà Bà ( chùa Bồng Lai ) trên bờ kinh Vĩnh Tế ( xã Vĩnh Tế - TP. Châu Đốc )


- Pháo đài trên đình Núi Sam xưa

      
 - Bồ Đề Đạo Tràng


 - Đình Châu Phú


-  Chùa Tây An ở núi Sam


 - Miếu Bà Chúa Xứ ngày nay



- Chợ Châu Đốc ngày nay


 - Tân lộ Kiều Lương thời ông Thoại Ngọc Hầu


- Lăng Thoại Ngọc Hầu xưa



       
- Lăng Thoại Ngọc Hầu ngày nay


- Chánh điện lăng Thoại Ngọc Hầu




      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét