* NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT VÌ SÔNG NÚI - SẼ SỐNG MUÔN ĐỜI VỚI NÚI SÔNG. ________________________________________ ( trích... " Ngọn Lửa Tình Người " - thơ trúc thanh tâm )
Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016
* TÂM TÌNH VỚI HẠ LONG - thơ Trúc Thanh Tâm ( Châu Đốc )
TÂM TÌNH VỚI HẠ LONG
Núi Bài Thơ ta ngồi ôn chuyện cũ
Hương ngàn năm trôi theo gió mây xa
Mình đưa nhau qua phía cầu Bãi Cháy
Đêm du dương, trăng phơi dáng ngọc ngà
Trà Cổ, Long Tiên chuông ngân nỗi nhớ
Miền tử sinh còn mộng mị triền miên
Trong sâu thẳm của khổ đau hạnh phúc
Đời vô cùng, không kỳ hạn đâu em
Qua Thiên Cung như lạc vào cổ tích
Những giọt sầu ai cắm mốc thời gian
Ta nghe mưa bên rừng đời bén rễ
Nắng lưu ly trải khắp lối hoa vàng
Tuần Châu ơi, chốn trần gian thơ mộng
Chim hót lời âu yếm với mai sau
Trong mắt em trời Hạ Long lưu luyến
Hồn biển xanh ru con sóng bạc đầu
Em bên ta nụ hôn nào tha thiết
Mai xa rồi đất Bắc nhớ khôn nguôi
Gởi Cửu Long phù sa chia chín nhánh
Về Hồng Hà yêu dấu của ta ơi !
núi Bài Thơ, 2005
TRÚC THANH TÂM
__
TRANG GIAO LƯU :
1. () - Văn Đàn Việt
2. () - Hương Nguyễn Hoàng
3. () - Lê Ngọc Trác
4. () - Văn nghệ Châu Đốc
5. () - Hoàng Anh 79
6. () - Văn nghệ Quảng Trị
7. () - Đất Đứng
8. () - Bông Tràm
_
GHI CHÚ :
- Những kết quả nghiên cứu, thám sát khảo cổ học và văn hóa học cho thấy sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau bao gồm văn hóa Soi Nhụ trong khoảng 18.000-7.000 năm trước Công Nguyên, văn hóa Cái Bèo trong 7.000-5.000 năm trước Công Nguyên và văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng từ 3.500-5.000 năm. Tiến trình dựng nước và truyền thống giữ nước của dân tộc Việt Nam, trong suốt hành trình lịch sử, cũng khẳng định vị trí tiền tiêu và vị thế văn hóa của vịnh Hạ Long qua những địa danh mà tên gọi gắn với điển tích còn lưu truyền đến nay, như núi Bài Thơ, hang Đầu Gỗ, Bãi Cháy, hòn Gà Chọi, hòn Cánh Buồm, bán đảo Trà Cổ, động Thiên Cung, chùa Long Tiên, nhà thờ Trà Cổ, bãi tắm Tuần Châu,làng chài Ba Hang, Cửa Vạn, Cống Đầm v...v...
- Vùng đất trung tâm của thành phố Hạ Long ngày nay, xưa kia chỉ là một làng chài ven biển, có tên là Bãi Hàu. Đến đầu thời Nguyễn được đổi tên thành xã Mẫu Lệ. Về sau, hình thành thêm các xã Hà Lầm, Lũng Phong, Giang Võng và Trúc Võng. Các xã phường phía Đông và phía Tây của thành phố hiện nay, trước đó đều thuộc huyện Hoành Bồ.
- Năm 1883, Pháp chiếm vùng vịnh Hạ Long, họ tiến hành khai thác than ở các mỏ trên bờ vịnh. Có ý kiến cho rằng do trên các đảo ở đây có nhiều cây gai nên người Pháp gọi là " lle des brouilles ", phiên âm là Hon Gai hay Hon Gay, sau đổi thành Hòn Gai. Còn theo các nhà nghiên cứu thì Hòn Gai là cách gọi lệch của người Pháp từ địa danh Hồng Hải lúc bấy giờ và Hòn Gai là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Yên. Hiên nay TP Hạ Long là Trung Tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh Quảng Ninh.
- Núi Bài Thơ Hạ ở trung tâm Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một di tích có giá trị văn hoá lich sử quan trọng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều bài thơ khắc trên đá của một số vị vua đi kinh lý, cảm hứng trước vẻ đẹp thần tiên cửa vịnh Hạ Long. Một ngọn núi đá vôi cao trên 100m nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, kề ngay bên vịnh Hạ Long, nhìn xa trông như một toà lâu đài khổng lồ với ba ngọn tháp nhấp nhô trên những bức tường thành kiên cố. Xưa kia núi còn có tên là núi Truyền Đăng ( Rọi Đèn ), đã làm xúc cảm bao tâm hồn thi sĩ.
Đến tháng 2 năm 1468, nhân một dịp đi kinh lý vùng Đông Bắc, cảm hứng trước cảnh đẹp thần tiên của vịnh Hạ Long vua Lê Thánh Tông đã làm một bài thơ và cho khắc vào vách núi phía Nam. Từ đó núi có tên là núi Đề Thơ, sau được gọi là núi Bài Thơ. 261 năm sau (năm 1729), nhân dịp duyệt thủy quân trên Biển Đông, chúa Trịnh Cương đã là một bài thơ họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông và cho khắc ngay gần đấy. Ngoài ra núi Bài Thơ còn dấu tích bài thơ của Nguyễn Cẩn và một số bài thơ khác. Ngay dưới chân núi Bài Thơ có chùa Long Tiên mới được xây dựng vào năm 1940 để thờ Phật và các vị tướng triều Trần có công với nước. Ngôi chùa mang những nét kiến trúc rất độc đáo. Gần ngôi chùa này cũng có một con đường dẫn lên đỉnh núi. Ở Bến Đoan ngay gần chân núi còn có ngôi đền nhỏ do các chủ thuyền thường xuyên buôn bán qua vùng biển Đông Hải cừng nhau góp sức xây dựng. Đền thờ vị tướng tài Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Nghiễn là người có công lớn trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của triều Trần, đặc biệt là quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba năm 1288 . Đến 1913 đền đã được trùng tu lại như ngày nay.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét