TRANG CHỦ

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

* VỀ CÙ LAO PHỐ - thơ Trúc Thanh Tâm

   
     




   VỀ CÙ LAO PHỐ

 



Ta nghe mùa hè trở giấc
Thủ Đức nhiều lạ, ít quen
Mộng mơ một thời mới lớn
Làm thơ tình để tặng em


Biên Hòa như thay áo mới
Gió ru, ru chiều ngủ quên
Ánh mắt nào ta xao xuyến
Để tình quấn quýt trong tim

Vậy mà, một lần gặp gỡ
Đâu ngờ xa mãi đời nhau
Hai nhánh sông buồn muôn thuở
Ta và em chỉ chiêm bao

Chiều nay, ngang qua thành cũ
Kỷ niệm nhòa dưới bóng mưa
Đâu rồi, tiểu thư áo trắng
Ngô Quyền thương của ngày xưa

Chợ đời ngày thêm đông khách
Sông Đồng Nai nhớ và đau
Mình ta giữa Cù Lao Phố
Cầu Gành còn hẹn, thương nhau !


Thủ Đức, 1986
TRÚC THANH TÂM


   
Cầu Gành do người Pháp khởi công xây dựng năm 1902. Khánh Thành 14/1/1904


Cầu Gành bị sập do xà lan đụng vào trưa ngày 20/3/2016
     
Toàn cảnh Cầu Gành bị sập

TRANG GIAO LƯU:

  1. Here - Nguồn Cội ( Hoa Kỳ )
  2. Here - Văn Nghệ Quảng Trị
  3. Here - Sáng Tạo ( Hoa Kỳ )
  4. Here - Thủ Khoa Nghĩa ( Hoa Kỳ )
  5. Here - Chu Vương Miện ( Hoa Kỳ )
  6. Here - Hương Nguyễn Hoàng ( Hoa Kỳ )
  7. Here - Văn Đàn Việt ( Quy Nhơn )
  8. Here - Sài Môn Thi Đàn ( Hoa Kỳ )
  9. Here - Nguyễn An Bình ( Cần Thơ )
10. Here - Văn nghệ Năm Châu ( Hoa Kỳ )
11. Here - Việt Văn Mới ( Pháp )
12. Here - Bạn Văn Nghệ ( Hoa Kỳ )
13. Here - Hội Quán Trầm Hương ( Hoa Kỳ )
14. Here - Ngô Quyền ( Hoa Kỳ )




GHI CHÚ:

    - CÙ LAO PHỐ : Tên cổ là Đại Phố Châu, là một cù lao trù phú nằm trên sông Đồng Nai,nay là xã Hiệp Hòa thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là trung tâm thương mại của Nam Kỳ vào cuối Thế kỷ XVII và 3/4 Thế kỷ XVIII (1679-1776) được khai mở bởi nhóm người Hoa không chịu làm tôi nhà Thanh đã dẫn thuộc hạ sang thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần năm 1679 và được cho vào đây cư trú.

    - Trường NGÔ QUYỀN : Mãi cho đến năm 1956, Trường trung học Ngô Quyền mới được thành lập, và là một trong số rất ít trường trung học của cả vùng Nam bộ lúc bấy giờ. Vị quyền hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Phan Văn Nga, nguyên Trưởng ty tiểu học và quản đốc là thầy Hồ Văn Tam, nguyên thanh tra Ty tiểu học

    - CẦU GÀNH : Biên Hòa có chiếc cầu nổi tiếng là cầu Gành. Đây là chiếc cầu xưa nhất thành phố Biên Hòa có tuổi đời hơn 100 năm, do kiến trúc sư lừng danh Eiffel của Pháp thiết kế. Hình ảnh chiếc cầu sắt cổ kính này gần như đã thành biểu tượng của Biên Hòa.
Khốn khổ thay, tên cầu đã bị gọi sai thành cầu Ghềnh gần bốn mươi năm nay.

    - THÀNH BIÊN HÒA : Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ XIV - XV, thành do dân Lạp Man xây đắp bằng đất với tên gọi " Thành Cựu ". Thời nhà Nguyễn, thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu, có mở rộng hơn, với tên gọi thành Biên Hòa. Theo tác giả Lương Văn Lựu viết trong Biên Hòa sử lược, thì " Thành được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 (tức 1816) tại địa hạt thôn Bàn Lân (thôn Tân Lân) huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa cũng với tên gọi là Thành Cựu do dân Lạp Man xây đắp bằng đất. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa ngõ có bắc một cầu đá ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào ". Thành được xây theo hình cánh cung, đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), Thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong và đổi tên là Thành Biên Hòa.

    Khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam bộ, Thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn. Tháng 12-1861, Thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vị thành còn 1/8 so với trước và gọi là thành "Xăng đá", phiên âm từ tiếng Pháp Soldat - nghĩa là "Thành Lính". Hào phía đông được lấp đất lại xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương... trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Buổi sáng lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương còn gọi là Thành Kèn.

    - SÔNG ĐỒNG NAI : Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Sài Gòn với chiều dài khoảng 437 km và lưu vực 38.600 km², nếu tính từ đầu nguồn sông Đa Đưng thì dài 586 km, còn nếu tính từ điểm hợp lưu với sông Đa Nhim phía dưới thác Pongua thì dài 487 km. Sông Đồng Nai đổ vào biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ. Các phụ lưu chính của nó gồm sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đạ Hoai và sông Vàm Cỏ. Các chi lưu của nó có tên gọi là sông Lòng Tàu (sông Ngã Bảy), sông Đồng Tranh, sông Thị Vải, sông Soài Rạp (sông Soi) v.v.

    Nguồn sông chính xuất phát từ cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng. Đoạn trên sông mang tên sông Đắc Dung. Sông uốn khúc chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam vượt khỏi miền núi ra đến bình nguyên ở Tà Lài, tỉnh Đồng Nai.

    Sông Đa Nhim, góp nước vào sông Đắc Dung ở Đại Ninh. Ở khoảng hợp lưu với sông Bé thì có đập Trị An chắn dòng sông, tạo nên hồ nước nhân tạo lớn nhất miền Nam, tức hồ Trị An cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An. Hồ Trị An cũng là nơi sông La Ngà từ triền núi phía nam cao nguyên Di Linh dồn nước về.

    Đến thị trấn Uyên Hưng huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương thì sông Đồng Nai chảy theo hướng Bắc - Nam ôm lấy cù lao Tân Uyên và Cù Lao Phố. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn. Vì vậy ca dao có câu:

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về...


    Gia Định là rẽ theo sông Sài Gòn lên phía Tây Ninh, còn Đồng Nai là theo dòng sông lên Biên Hòa.

    Nhánh chính sông Đồng Nai ở khúc hạ lưu thường gọi là sông Nhà Bè. Sách xưa gọi sông này là " Phước Bình ". Sông Đồng Nai hòa với nước của sông Vàm Cỏ từ Long An đổ về trước khi chảy ra biển Đông.

    Hai phân lưu chính của sông Đồng Nai là sông Soài Rạp đổ vào vịnh Soài Rạp tại cửa Soài Rạp (rộng 2.000 - 3.000 m, sâu 6 – 8 m) ở huyện Cần Giờ và sông Lòng Tàu (sâu 15–20 m) đổ vào vịnh Gành Rái.

    Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai là nơi phát triển sầm uất của cộng đồng người Minh Hương trước khi vùng đất này trở thành đơn vị hành chính chính thức của Đàng Trong năm 1698.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét