TRANG CHỦ

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

* Lời tựa cuốn VÀM KINH CŨ - Bài viết Hai Trầu ( Lương Thư Trung )




      Nếu bạn từ Long Xuyên lên Châu Đốc theo con đường Liên tỉnh lộ số 9 cũ, thì Thất Sơn-Châu Đốc là tên gọi chung một vùng đất với bảy ngọn núi nằm về hướng tây, phía tay trái của bạn, sát biên giới với Cao Miên, xa xa in hình lên bầu trời trong xanh một màu xanh thăm thẳm và bên tay mặt của bạn là hai nhánh sông lớn của con sông Cửu Long:Tiền Giang và Hậu Giang với mùa nước lên và nước giựt mang phù sa cùng tôm cá làm thành một vùng đất nơi này trù phú biết bao! 



      Cũng như nhiều làng quê vùng Long Xuyên, Châu Đốc, phần lớn cư dân các làng mạc hai vùng đất trù phú ấy họ sống với nghề làm ruộng rẫy, bắt cá tôm là chính; còn một số khác ở thành thị chợ búa thì sống với nghề buôn bán. Bên cạnh đó, phải công bằng nhận ra rằng vùng đất Thất Sơn-Châu Đốc lại hơn hẳn các vùng đất khác là do ở đó có nhiều tác giả viết được nhiều sách vở về quê hương của mình.
      Hồi đời trước, ở Tân Châu có Nguyễn Chánh Sắt; thời thập niên 1960 có thầy Nguyễn Văn Kiềm với cuốn sách quý Tân Châu Xưa (1964). Gần hơn chút nữa có nhà văn Vũ Thất gốc gác Tân Châu với cuốn Đời Thủy Thủ làm nên tên tuổi tác giả Vũ Thất một thời. Rồi sau này có thêm Phong Hưng-Lưu Nhơn Nghĩa ở Tri Tôn với Như Cánh Chuồn Chuồn, Con Đường Cũ đặc biệt ghi chép lại những nét đặc thù về miền đất Xà Tón, thuộc vùng Thất Sơn, không ai qua nổi. Ở vùng Bắc Nam (An Phú) có Khiêm Cung- Dương Văn Chung với tác phẩm Nội Ngoại Đều Thương, là một hồi ức về vùng An Phú rất phong phú! Viết về người Chàm Châu Giang với nhà văn Đỗ Hải Minh qua tác phẩm “Bangsa Champa, Tìm Về Cội Nguồn Cách Xa” là một cuốn sách của một tác giả vừa từng trải, vừa giàu kiến thức, và nhứt là tác giả gốc gác người Chăm, nên những gì tác giả viết ra đều mạch lạc, tường tận… Đó là nói về văn xuôi, còn về thơ thì một Phạm Yến Anh ngày nào, một Nguyễn Hải Thệ tức nhà thơ Ngy Do Thái (Long Sơn) làm xứ Tân Châu thêm nhiều hương sắc. Còn nữa, các tác giả như Hoài Ziang Duy, Ngô Nguyên Nghiễm, Trịnh Bửu Hoài, Song An Châu, Trúc Thanh Tâm… là những bông hoa trong vườn hoa văn nghệ Thất Sơn-Châu Đốc đã góp phần làm đẹp thêm góc vườn có núi, có sông ấy! Đặc biệt, vùng Thất Sơn-Châu Đốc còn có một tác giả còn rất trẻ, chẳng những mê đọc sách ngay từ hồi còn đi học, mà nhứt là sách văn học Miền Nam thời kỳ 1955-1975, với những nhận định vừa mới mẻ mà xác thực, vừa hiểu biết và cảm thông. Đó là bạn Thái Lý, quê Tân Châu (Châu Đốc) với những bài nhận định văn chương rất giá trị. Nhưng nếu tôi không kể thêm về một tác giả thuộc phái nữ giữa khu vườn hoa văn nghệ Thất Sơn-Châu Đốc ấy, quả là một điều vô cùng thiếu sót và bất công. Đó là tác giả Nguyễn Thị Lộc Tưởng với tác phẩm đầu tay Vàm Kinh Cũ. 

      Về tác giả Nguyễn Thị Lộc Tưởng, có lẽ tôi không cần phải dông dài giới thiệu với các bạn về chị vì chị là người vừa chủ trương Trang nhà Thất Sơn-Châu Đốc hơn mười năm qua và chị cũng vừa là bạn học với các bạn hồi còn là học sinh trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa những năm thập niên 1960-1970 nữa. Thành ra ai là đồng hương Thất Sơn-Châu Đốc, có lẽ ít nhất các bạn một đôi lần đã ghé lại trang nhà này và chắc chắn các bạn đã ít nhiều đọc được những gì chị Lộc Tưởng đã viết và đăng trên ấy. Nhưng có một chút này về tác giả mà tôi muốn nhắc qua cùng bạn. Tác giả vốn là cựu học trò trường Nữ Tiểu Học Tỉnh lỵ Châu Đốc khi mới rời trường sơ học ở Vàm Kinh Cũ (Châu Phong), rồi hết tiểu học, chị lại may mắn được thi đậu vào trường trung học Thủ Khoa Nghĩa. Hết bậc trung học, chị lại trúng tuyển vào học Khóa VIII Sư-Phạm Vĩnh-Long. Khi đang học khóa VIII Sư Phạm Vĩnh Long được hơn nửa năm, lúc bấy giờ ở Long Xuyên có mở thêm một trường sư phạm nữa để nhận thêm các thí sinh đậu dự khuyết, lấy tên trường Sư Phạm Long Xuyên và Nguyễn Thị Lộc Tưởng xin hoán chuyển về Long Xuyên học Khóa I ở trường này cho gần nhà; cùng học với chị có các bạn như Thanh Sương (Châu Đốc)… Khi ra trường, lúc đầu chị được bổ nhiệm về một ngôi trường làng nơi đèo heo hút gió; sau này chị lại được đổi về dạy ngay cái trường Nữ Tiểu Học ngày trước nơi chị đã từng theo học. Tôi nghĩ đó là cái duyên tiền định mà ít người có được!
      Nhớ hồi ấy, những năm còn nhỏ, tôi rất mê ngôi trường Sư-Phạm Vĩnh-Long này của chị, nơi ấy là nơi hội tụ những giáo sinh sắp làm thầy cô giáo mà nghề mô phạm hồi ấy là nghề vàng son một thời, được học trò thương, được phụ huynh quý mến và được xã hội kính nể mà nhiều bậc phụ huynh có con em đi học đều mơ ước con em mình được trúng tuyển vào học nơi ngôi trường lý tưởng ấy. Chẳng những vậy, vào những năm thập niên 1960-1970, nơi ấy còn là nơi hội tụ hầu hết những nàng giáo sinh trẻ đẹp của vùng sông nước Miền Tây với bộ đồng phục áo dài trắng, quần trắng bay bay trong gió làm tăng thêm vẻ đẹp của các chị với dáng đi rất thướt tha, mà các chàng trai trẻ hồi ấy đều mê lắm! Có lần tôi cũng là thí sinh của trường Sư-Phạm Vĩnh-Long hồi Khóa II với cách thi trắc nghiệm (A, B, C, D khoanh) lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, nên tôi hiểu được niềm vui của chị những ngày theo học Sư-Phạm Vĩnh-Long... Làng quê tôi nhiều bạn cùng làng tốt nghiệp ngôi trường sư phạm này. Và họ là những giáo viên mẫu mực một thời về cả hai phương diện tài năng và đức hạnh! Tôi nghĩ bạn cũng sẽ rất vui là mình có được một người bạn như Nguyễn Thị Lộc Tưởng, xuất thân từ trường sư phạm mà thời ấy, cách nay hơn 45 năm, không phải ai dự thi cũng vào được!
      Hôm nay, qua nhiều lần đề nghị của hai nhà văn thuộc vào lớp đàn anh là Vũ Thất (Hoa Kỳ) và Khiêm Cung-Dương Văn Chung (Úc Đại Lợi), chị đã chọn lọc và nhuận sắc lại những bài đã viết để in thành tác phẩm Vàm Kinh Cũ này. Điều đó cho thấy, nếu không có lời đề nghị của hai anh Vũ Thất và Khiêm Cung-Dương Văn Chung, chưa chắc Vàm Kinh Cũ đã có mặt. Vì theo chỗ tôi được biết, Nguyễn Thị Lộc Tưởng viết như chỉ nhằm mục đích để trang trải những nỗi niềm cùng nhân sinh quan của riêng mình về đời sống hơn là viết để in sách, để trở thành nhà văn! Điều đó rất hợp với nhận xét của nhà văn Nguyễn Hiến Lê về cái “duyên” ra đời của một cuốn sách: “Người xưa nói: “Phải có duyên mới viết được một cuốn sách.” Tôi muốn nói thêm: “Cũng phải có duyên mới xuất bản được một cuốn sách.”(**)
      Về phần nội dung của Vàm Kinh Cũ và bút pháp của tác giả, có lẽ chúng tôi xin mời bạn đọc nên đọc hai bài nhận định khá đầy đủ và rất giá trị của nhà văn Lâm Chương (Boston) và nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung (Sydney) trong phần lời BẠT. Đặc biệt, theo chỗ giao tình giữa tôi và anh Lâm Chương trong khoảng thời gian gần hai chục năm qua, tôi biết chắc một điều là họ Lâm vô cùng thận trọng trong sáng tác cũng như trong các nhận định mang tính văn học của mình đối với các tác giả và tác phẩm và tôi ít thấy Lâm Chương viết giới thiệu cho bất cứ tác giả hoặc tác phẩm nào cho dù tác giả ấy là ai. Và qua bài viết của Lâm Chương về cuốn Vàm Kinh Cũ này, theo thiển ý của tôi, tôi nghĩ rằng đây là một điểm son đối với tác phẩm đầu tay của Nguyễn Thị Lộc Tưởng…
      Tôi vẫn biết rằng, đọc sách là một trong những thú vui tao nhã ở đời; nhưng có một điều này cũng rất hiển nhiên là mỗi người đọc đều có mỗi sở thích riêng, do vậy mà bạn thường tìm đọc những sách nào bạn thích, kỳ dư không ai có thể ép buộc bạn nên đọc cuốn sách này mà bỏ cuốn sách kia được! Nhưng tôi biết chắc chắn một điều là cái tựa Vàm Kinh Cũ mà tác giả đã chọn, nó hàm chứa biết bao nỗi niềm trong chị. Bởi lẽ từ "Vàm Kinh Cũ" mới có Nguyễn Thị Lộc Tưởng, mới có những ngày đi học, đi thi, đi dạy rồi cũng từ đó mới có những bước chân đời qua những năm tháng lưu lạc nơi xứ người để rồi mới biết thế nào là đi lượm ghế mùa đông, những ngày mua rau cải ở cái chợ trời Haymarket (Boston), những ngày đi học lại nơi xứ người và rồi đi làm đủ mọi thứ nghề đến lúc về hưu ngồi nhớ lại những ký ức một thời mới đó đã qua rồi hơn sáu mươi năm!!! Chẳng những thế, rải rác trong các trang sách ấy nó còn tỏ bày rất rõ về nhân sinh quan của tác giả đối với xã hội, đối với cuộc đời và nhất là về thân phận con người giữa dòng đời không phải lúc nào cũng êm đềm trôi chảy, mà tôi cho phần này là một trong những phần quan trọng, giá trị và thú vị của Vàm Kinh Cũ…
      Nhà văn Nguyễn Hiến Lê có lần đã nhận định: “Tinh thần phân-tích, phê-bình tuy là cần thiết trong việc đọc sách nhưng thiếu sự cảm-thông thì khó nhận được cái hay, cái đẹp mà tâm-hồn ta chỉ khô khan lần đi thôi. Ai cũng có thể viết một cuốn sách một trăm trang để phê-bình một cuốn sách ba trăm trang được; nhưng suy-tư để thấy dụng ý, nhân sinh quan của tác-giả thì là việc ít thấy, không phải vì nó khó mà vì ít ai chịu làm, ít ai chịu quên cái “bản ngã” của mình để tìm hiểu cái “bản ngã” của người.”(***)
      Bạn có bao giờ dự định “viết một cuốn sách một trăm trang để phê bình một cuốn sách ba trăm trang” của tác giả Nguyễn Thị Lộc Tưởng không? Chắc chắn là không rồi! Và bạn có bao giờ thấy lòng mình “thiếu sự cảm thông” với người bạn đồng môn của mình như nhận xét của nhà văn Nguyễn Hiến Lê về người đọc mà tôi vừa mới trích dẫn không? Chắc chắn cũng không luôn! Vì tôi tin tưởng rằng người dân vùng Thất Sơn-Châu Đốc của bạn vốn giàu lòng nhân ái, hiền hòa, chơn chất, độ lượng và dễ mến nữa nên sự cảm thông của bạn dành cho những nỗi niềm của tác giả trên các trang sách Vàm Kinh Cũ là một điều gì rất tự nhiên như nước hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang đã mang lại phù sa cùng cá tôm bồi đắp cho vùng quê của bạn, của tôi, làm thành những cánh đồng đầy lúa vàng, những vườn cây trĩu trái, những khúc sông đầy cá vậy! Thì còn gì nữa mà bạn không mở lòng đón nhận Vàm Kinh Cũ, tác phẩm đầu tay của Nguyễn Thị Lộc Tưởng, vốn là cư dân Thất Sơn-Chấu Đốc của bạn, mà cũng là bạn học cũ của bạn những ngày Thủ Khoa Nghĩa ngày nào nữa!
      Thú thật, tôi không phải là dân Thất Sơn-Châu Đốc và thuở nhỏ lúc còn đi học tôi chưa lần nào có vinh hạnh là học trò trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa, nhưng sau này khi vào đời với tuổi đời còn rất trẻ, tôi có dịp về thăm Tân Châu mấy lần và có biết qua Vàm Kinh Cũ. Hồi ấy, khi tới Châu Đốc, tôi mon men theo chiếc cầu nhỏ đi xuống bến đò Châu Giang; qua bên kia sông xóm người Chàm; tôi ngồi lên chiếc xe Honda kéo thùng chở đầy khách bộ hành nặng nhọc bò theo con đường lộ đá Châu Đốc-Tân Châu chưa tráng nhựa, mà bên tay trái với con Kinh Cũ (Vĩnh An Hà) nằm song song với lộ đá đâu chừng 17 cây số với nhà sàn san sát cặp mé kinh! Vậy mà rồi, nay khi tuổi đã già, cứ mỗi lần đọc lại tập bản thảo Vàm Kinh Cũ này của Nguyễn Thị Lộc Tưởng, sao tôi thấy lòng mình bồi hồi nhớ lại một bến đò ngang, một vàm kinh cũ, một chuyến xe qua và biết bao nỗi niềm khó tả về một khoảng đời với những ngày đầu làm quen với miền sông nước ấy, cách nay hơn bốn mươi lăm năm! Thời gian dù có đi qua, tóc xanh rồi sẽ bạc nhưng hồi ức thì vẫn còn, và còn mãi như những trang đời trong Vàm Kinh Cũ!

HAI TRẦU - LƯƠNG THƯ TRUNG
Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 24 tháng 09 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét