TRẠI RUỘNG THỚI SƠN XƯA VÀ NAY
Bút ký VĨNH THÔNG
Làng Thới Sơn thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang ngày nay, là một trong những nơi còn lưu lại khá nhiều di tích liên quan đến công cuộc hành đạo và khai khẩn của tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương - một tôn giáo nội sinh đặc trưng của xứ An Giang. Nói đến Thới Sơn, người ta không chỉ nghĩ đến chốn hành hương của riêng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương mà còn là điểm đến đầy thú vị của khách du lịch gần xa, nhứt là giới nghiên cứu văn hóa - sử học.
Quan sát bản đồ ta có thể dễ dàng nhận thấy, Thới Sơn là cửa ngỏ vào vùng Thất Sơn, cũng là tiền đồn án ngữ vùng biên cương nầy. Cả xưa và nay, Thới Sơn đều có một vị trí chiến lược trong nhiều lĩnh vực: quân sự, kinh tế, văn hóa… Để đến được Thới Sơn, chúng ta có thể đi theo Quốc lộ 91 đến địa phận thị trấn Nhà Bàng tiếp tục rẽ sang đường tỉnh 948 qua khỏi núi Két khoảng một cây số rồi rẽ trái sẽ lần lượt đến được các di tích như đình Thới Sơn, chùa Thới Sơn, chùa Phước Điền.
Thới Sơn xưa bao gồm hai làng Hưng Thới và Xuân Sơn (mà nay gộp lại thành Thới Sơn) do Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên chủ trương cho tín đồ khai phá để canh tác và tu tập. Hai vị tiền bối có công lao lớn nhứt trong buổi đầu là ông Tăng Chủ tên thật Bùi Văn Thân và ông Đình Tây tên thật Bùi Văn Tây. Có thuyết nói ông Tăng Chủ là bác ông Đình Tây, nhưng cũng có người cho rằng hai ông là anh em họ. Dầu sao, đối với người đời nay, cả hai vị đều được kính trọng vì là những bậc đại đệ tử của Phật Thầy, đã có công dẫn dắt tín đồ khai khẩn và hình thành làng xóm.
Nói đến đây, không thể không nhắc sơ lược về nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương khá đặc biệt nầy. Người sáng lập đạo có tên là Đoàn Văn Huyên (1807 - 1856), sau xuất gia với pháp danh Minh Huyên - Pháp Tạng (nên còn gọi là Đoàn Minh Huyên). Ông là một nhà doanh điền, nhà yêu nước, nhà cải cách tôn giáo. Năm 1849 quanh vùng Hậu Giang xảy ra dịch bệnh, ông đi nhiều nơi trị bệnh cho dân và phổ truyền giáo lý, khuyên mọi người tu hành.
Đạo của ông dạy tín đồ Tứ ân: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Tu không coi trọng hình thức, không bày trí hình tượng mà chỉ thờ Trần điều (tấm vải đỏ) tượng trưng cho vô vi và thanh tịnh. Người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương không xuất gia mà tu tại gia, cũng không tụng kinh gõ mõ, không ngồi chờ đắc đạo (xuất thế) mà phải làm lụng phục vụ cuộc sống vừa tạo tác phước điền (nhập thế). Ngoài ra, ông còn cùng các đệ tử khẩn hoang, lập xóm ấp cho người dân đến sống và canh tác. Người đời sau tôn xưng ông là Đức Phật Thầy Tây An.
Điểm qua một số di tích tại Thới Sơn. Đình Thới Sơn là cơ sở được thành lập trễ nhứt. Một số ý kiến cho rằng “đây là Trại rẫy, Phật Thầy cho dựng đình thờ thần hoàng” là không đúng, vì chỉ có Trại ruộng chứ không có Trại rẫy, và Đình Thới Sơn cũng được lập sau khi Phật Thầy viên tịch. Khi vùng Xuân Sơn và Hưng Thới đã được trù mật, ông Tăng Chủ và Đình Tây bắt đầu chuyển sang chú trọng việc chăm lo tu tập cho tín đồ. Xét thấy thôn Hưng Thới đã có chùa nhưng thôn Xuân Sơn thì chưa nên hai vị lập chùa Xuân Sơn (thờ Phật), khi hai thôn sát nhập thì đổi thành Đình Thới Sơn (thờ Thần).
Ban đầu đình được xây cất bằng cây rừng, mái tranh, vách lá, nền đất. Sau bao nhiêu lần tín đồ trùng tu cũng chính là bấy nhiêu lần bị quân giặc đốt phá. Mãi đến những năm 70 - 80, đình mới được xây dựng lại khang trang. Kiến trúc của đình cũng theo kiểu các đình miếu miền Tây Nam với mái cổ lầu, nóc lợp ngói, vách tường và nền xây cao ráo, cột trụ cũng bằng xi măng. Nội thất đình trang trí hoa văn nhiều sắc màu, các khánh thờ chạm trổ công phu, sắc nét. Giữa thờ Thành hoàng Bổn cảnh như những Đình khác, phía sau thờ Đức Phật Thầy và Thập nhị Hiền thủ (mười hai cao đồ của Phật Thầy). Trước đình là cổng tam quan có mái che cổ kính, bên cạnh là di tích cổ thụ được rào lại cẩn thận bởi vì tương truyền ngày xưa Đức Phật Thầy thường ngồi tịnh nơi gốc cây nầy.
Gần đó là Chùa Thới Sơn. Đây cũng là nơi được thành lập sớm. Trước kia được dùng làm chỗ tu hành, thờ phượng theo nghi thức đơn giản của Phật Thầy. Ngày nay, chùa được xây dựng lại với quy mô nằm giữa một khuôn viên rộng lớn, thoáng mát với nhiều cây xanh, hoa kiểng. Chùa mang kiến trúc hiện đại và sáng tạo, khá đẹp mắt. Mái ngói và các hàng cột được đắp nổi nhiều hình rồng, búp sen, chim thú, hoa lá… Cửa bầu theo kiểu phương Tây thế kỷ XIX, các liễn đối không phải vẽ mà được ghép lại từ các mảnh sành rất điêu luyện.
Trong chùa có hai gian, chánh điện thờ Tam bảo, hậu điện thờ Phật Thầy Tây An. Xung quanh còn phối thờ Hộ pháp, Chư quan cựu thần, Năm non bảy núi, Thập nhị hiền thủ, Cửu huyền thất tổ, và nhiều bàn thờ khác… Đặc biệt, mặc dầu ít nhiều thay đổi so với buổi đầu, nhưng chùa vẫn giữ y truyền thống đạo với bức Trần điều. Hàng năm, cứ đến những dịp Tết, ngày rằm, các ngày lễ đạo thì tín đồ lại tề tựu về đây để cùng nhắc nhở nhau về công lao của các bậc tiền bối.
Chùa Phước Điền là nơi Phật Thầy và các đệ tử dẫn dắt dân nghèo vượt qua những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ. Họ khai phá và lập những cơ sở tôn giáo đầu tiên gọi là “Trại ruộng”. Ngoài mặt “Trại ruộng” để che mắt sự dòm ngó và gây khó dễ của triều đình, nhưng thực tế đây là một cơ sở tôn giáo thuở sơ khai của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Nơi đây, sau khi tín đồ khai phá vùng đất hoang vu, họ bắt tay vào cày cấy, sản xuất, như quan niệm của Đức Phật Thầy từ buổi đầu lập đạo.
Theo nếp sống và sinh hoạt được định ra từ những ngày đầu, thì ban ngày tín đồ cùng nhau trồng trọt, cày cấy, đến tối sẽ lo tu tập: “Khát thời uống nước Tào Khê / Đói ăn ma phạn tối về canh tân”. Như vậy rõ ràng đây là một mô hình mới và độc đáo, vừa có thể tu hành nhưng cũng không vì lợi ích bản thân mà quên đi cộng đồng xã hội. Chủ trương đó của Phật Thầy dẫu đã qua gần hai trăm năm, trại ruộng xưa nay đã thành chùa chiềng, làng mạc, nhưng tư tưởng ngày ấy vẫn được tín đồ kế tục và phát huy.
Ngày nay khuôn viên chùa Phước Điền có diện tích rộng lớn, tuy nhiên quy mô chánh điện lại nhỏ. Đó là bởi vì chủ trương Phật Thầy là giản dị hóa cách thức hành đạo, không xây chùa am lớn vì Phật cốt ở tâm chứ không phải xây chùa cao, đắp tượng lớn. Theo một số tư liệu, chùa Phước Điền có hai cặp đối tương truyền của Phật Thầy, là “Nhứt trần bất nhiễm Bổ Đề địa / Vạn thiện đồng quy Bát Nhã môn” và “Phước bảo thiền quang thanh tịnh vô vi thường phổ chiếu / Điền kinh công đức viên dung bát nhã biến thông truyền”.
Một điều đặc biệt, hiện trong khuôn viên chùa còn có một khoảng đất rộng được dọn dẹp sạch sẽ, rào lại tươm tất, đó chính là nơi chôn cất hai con trâu của Phật Thầy. Nhân dân kính trọng đôi trâu nầy như người hữu sông với làng xóm là vì lúc sinh thời Phật Thầy đã nuôi đôi trâu và khi khai khẩn Thới Sơn thì đôi trâu đã cùng giúp đỡ bà con chuyên chở hàng hóa. Chính vì thế khi đôi trâu qua đời, nhân dân trong vùng đã chôn cất bên cạnh chùa và gọi hai “ông” trâu là ông Sấm, ông Sét. Chỉ là những con vật nhưng nếu có công thì vẫn được đồng bào ta tôn kính như con người, thế cũng đủ biết người miền Tây trọng tình nghĩa thế nào.
Giờ đây, thế kỷ XIX chúng ta thử nhìn lại chặng đường khai khẩn của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương gần hai trăm năm trước. Cả một vùng đất hoang vu sỏi đá, tín đồ chỉ với công cụ thô sơ và trâu bò đã cày cấy, sản xuất, khai mở hai ngôi làng mênh mông. Đó là chưa kể thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ, bệnh tật. Tuy nhiên, người tín đồ không chỉ rèn sức khỏe và sự chịu đựng để sống ở vùng đất khó khăn này, mà còn phải rèn cả tâm hồn, nuôi dưỡng đạo đức của một người tu hành. Nhà văn Nguyễn Văn Hầu nhận xét: “Người ta thấy nếp sống gần với thiên nhiên nầy rất thi vị và thoát tục, nên vui lòng theo đuổi mãi công việc”.
Sống trong cảnh “Huê tươi trước mặt thơm tho nực / Thú dữ bên mình nhã nhớn chơi” nhưng họ không chùng chí mà vẫn có thể “Dày cỏ tới lui trời đất rộng / Ao sen xài xạt núi sông dài”. Có lẽ bởi, tâm hồn người tu hành đã rời khỏi sự tác động của ngoại cảnh: “Một tấm lòng nhàn mây sắc trắng / Trăm đường tục lợi nước màu xanh”. Rõ chẳng phải là thoát tục đó hay sao? Và, rao giảng thuyết “tận thế” và vùng Thất Sơn chính là “thánh địa” cũng chính là một hình thức “doanh điền” hết sức độc đáo để gom dân về vùng hẻo lánh, khuyến khích định cư và canh tác, làm vùng đất khô cằn nầy trở nên trù phú.
Đã qua gần hai thế kỷ nhưng mô hình “Trại ruộng” độc đáo vẫn đầy kỳ bí và hấp dẫn trong mắt các nhà nghiên cứu. Về phía những tín đồ, họ vẫn tiếp tục trùng tu cơ sở và không ngớt hương khói đối với bao công lao của người xưa. Bên cạnh những di tích đó còn có núi Két tên chữ là Anh Vũ Sơn cũng mang nhiều dấu ấn của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch gần xa. Dẫu là di tích của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ngày nay còn lại không nhiều. Nhưng mỗi nơi, mỗi câu chuyện là những bài học lớn cho người đời sau.
VĨNH THÔNG
( Châu Phú )
Thới Sơn xưa bao gồm hai làng Hưng Thới và Xuân Sơn (mà nay gộp lại thành Thới Sơn) do Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên chủ trương cho tín đồ khai phá để canh tác và tu tập. Hai vị tiền bối có công lao lớn nhứt trong buổi đầu là ông Tăng Chủ tên thật Bùi Văn Thân và ông Đình Tây tên thật Bùi Văn Tây. Có thuyết nói ông Tăng Chủ là bác ông Đình Tây, nhưng cũng có người cho rằng hai ông là anh em họ. Dầu sao, đối với người đời nay, cả hai vị đều được kính trọng vì là những bậc đại đệ tử của Phật Thầy, đã có công dẫn dắt tín đồ khai khẩn và hình thành làng xóm.
Nói đến đây, không thể không nhắc sơ lược về nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương khá đặc biệt nầy. Người sáng lập đạo có tên là Đoàn Văn Huyên (1807 - 1856), sau xuất gia với pháp danh Minh Huyên - Pháp Tạng (nên còn gọi là Đoàn Minh Huyên). Ông là một nhà doanh điền, nhà yêu nước, nhà cải cách tôn giáo. Năm 1849 quanh vùng Hậu Giang xảy ra dịch bệnh, ông đi nhiều nơi trị bệnh cho dân và phổ truyền giáo lý, khuyên mọi người tu hành.
Đạo của ông dạy tín đồ Tứ ân: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Tu không coi trọng hình thức, không bày trí hình tượng mà chỉ thờ Trần điều (tấm vải đỏ) tượng trưng cho vô vi và thanh tịnh. Người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương không xuất gia mà tu tại gia, cũng không tụng kinh gõ mõ, không ngồi chờ đắc đạo (xuất thế) mà phải làm lụng phục vụ cuộc sống vừa tạo tác phước điền (nhập thế). Ngoài ra, ông còn cùng các đệ tử khẩn hoang, lập xóm ấp cho người dân đến sống và canh tác. Người đời sau tôn xưng ông là Đức Phật Thầy Tây An.
Điểm qua một số di tích tại Thới Sơn. Đình Thới Sơn là cơ sở được thành lập trễ nhứt. Một số ý kiến cho rằng “đây là Trại rẫy, Phật Thầy cho dựng đình thờ thần hoàng” là không đúng, vì chỉ có Trại ruộng chứ không có Trại rẫy, và Đình Thới Sơn cũng được lập sau khi Phật Thầy viên tịch. Khi vùng Xuân Sơn và Hưng Thới đã được trù mật, ông Tăng Chủ và Đình Tây bắt đầu chuyển sang chú trọng việc chăm lo tu tập cho tín đồ. Xét thấy thôn Hưng Thới đã có chùa nhưng thôn Xuân Sơn thì chưa nên hai vị lập chùa Xuân Sơn (thờ Phật), khi hai thôn sát nhập thì đổi thành Đình Thới Sơn (thờ Thần).
Ban đầu đình được xây cất bằng cây rừng, mái tranh, vách lá, nền đất. Sau bao nhiêu lần tín đồ trùng tu cũng chính là bấy nhiêu lần bị quân giặc đốt phá. Mãi đến những năm 70 - 80, đình mới được xây dựng lại khang trang. Kiến trúc của đình cũng theo kiểu các đình miếu miền Tây Nam với mái cổ lầu, nóc lợp ngói, vách tường và nền xây cao ráo, cột trụ cũng bằng xi măng. Nội thất đình trang trí hoa văn nhiều sắc màu, các khánh thờ chạm trổ công phu, sắc nét. Giữa thờ Thành hoàng Bổn cảnh như những Đình khác, phía sau thờ Đức Phật Thầy và Thập nhị Hiền thủ (mười hai cao đồ của Phật Thầy). Trước đình là cổng tam quan có mái che cổ kính, bên cạnh là di tích cổ thụ được rào lại cẩn thận bởi vì tương truyền ngày xưa Đức Phật Thầy thường ngồi tịnh nơi gốc cây nầy.
Gần đó là Chùa Thới Sơn. Đây cũng là nơi được thành lập sớm. Trước kia được dùng làm chỗ tu hành, thờ phượng theo nghi thức đơn giản của Phật Thầy. Ngày nay, chùa được xây dựng lại với quy mô nằm giữa một khuôn viên rộng lớn, thoáng mát với nhiều cây xanh, hoa kiểng. Chùa mang kiến trúc hiện đại và sáng tạo, khá đẹp mắt. Mái ngói và các hàng cột được đắp nổi nhiều hình rồng, búp sen, chim thú, hoa lá… Cửa bầu theo kiểu phương Tây thế kỷ XIX, các liễn đối không phải vẽ mà được ghép lại từ các mảnh sành rất điêu luyện.
Trong chùa có hai gian, chánh điện thờ Tam bảo, hậu điện thờ Phật Thầy Tây An. Xung quanh còn phối thờ Hộ pháp, Chư quan cựu thần, Năm non bảy núi, Thập nhị hiền thủ, Cửu huyền thất tổ, và nhiều bàn thờ khác… Đặc biệt, mặc dầu ít nhiều thay đổi so với buổi đầu, nhưng chùa vẫn giữ y truyền thống đạo với bức Trần điều. Hàng năm, cứ đến những dịp Tết, ngày rằm, các ngày lễ đạo thì tín đồ lại tề tựu về đây để cùng nhắc nhở nhau về công lao của các bậc tiền bối.
Chùa Phước Điền là nơi Phật Thầy và các đệ tử dẫn dắt dân nghèo vượt qua những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ. Họ khai phá và lập những cơ sở tôn giáo đầu tiên gọi là “Trại ruộng”. Ngoài mặt “Trại ruộng” để che mắt sự dòm ngó và gây khó dễ của triều đình, nhưng thực tế đây là một cơ sở tôn giáo thuở sơ khai của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Nơi đây, sau khi tín đồ khai phá vùng đất hoang vu, họ bắt tay vào cày cấy, sản xuất, như quan niệm của Đức Phật Thầy từ buổi đầu lập đạo.
Theo nếp sống và sinh hoạt được định ra từ những ngày đầu, thì ban ngày tín đồ cùng nhau trồng trọt, cày cấy, đến tối sẽ lo tu tập: “Khát thời uống nước Tào Khê / Đói ăn ma phạn tối về canh tân”. Như vậy rõ ràng đây là một mô hình mới và độc đáo, vừa có thể tu hành nhưng cũng không vì lợi ích bản thân mà quên đi cộng đồng xã hội. Chủ trương đó của Phật Thầy dẫu đã qua gần hai trăm năm, trại ruộng xưa nay đã thành chùa chiềng, làng mạc, nhưng tư tưởng ngày ấy vẫn được tín đồ kế tục và phát huy.
Ngày nay khuôn viên chùa Phước Điền có diện tích rộng lớn, tuy nhiên quy mô chánh điện lại nhỏ. Đó là bởi vì chủ trương Phật Thầy là giản dị hóa cách thức hành đạo, không xây chùa am lớn vì Phật cốt ở tâm chứ không phải xây chùa cao, đắp tượng lớn. Theo một số tư liệu, chùa Phước Điền có hai cặp đối tương truyền của Phật Thầy, là “Nhứt trần bất nhiễm Bổ Đề địa / Vạn thiện đồng quy Bát Nhã môn” và “Phước bảo thiền quang thanh tịnh vô vi thường phổ chiếu / Điền kinh công đức viên dung bát nhã biến thông truyền”.
Một điều đặc biệt, hiện trong khuôn viên chùa còn có một khoảng đất rộng được dọn dẹp sạch sẽ, rào lại tươm tất, đó chính là nơi chôn cất hai con trâu của Phật Thầy. Nhân dân kính trọng đôi trâu nầy như người hữu sông với làng xóm là vì lúc sinh thời Phật Thầy đã nuôi đôi trâu và khi khai khẩn Thới Sơn thì đôi trâu đã cùng giúp đỡ bà con chuyên chở hàng hóa. Chính vì thế khi đôi trâu qua đời, nhân dân trong vùng đã chôn cất bên cạnh chùa và gọi hai “ông” trâu là ông Sấm, ông Sét. Chỉ là những con vật nhưng nếu có công thì vẫn được đồng bào ta tôn kính như con người, thế cũng đủ biết người miền Tây trọng tình nghĩa thế nào.
Giờ đây, thế kỷ XIX chúng ta thử nhìn lại chặng đường khai khẩn của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương gần hai trăm năm trước. Cả một vùng đất hoang vu sỏi đá, tín đồ chỉ với công cụ thô sơ và trâu bò đã cày cấy, sản xuất, khai mở hai ngôi làng mênh mông. Đó là chưa kể thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ, bệnh tật. Tuy nhiên, người tín đồ không chỉ rèn sức khỏe và sự chịu đựng để sống ở vùng đất khó khăn này, mà còn phải rèn cả tâm hồn, nuôi dưỡng đạo đức của một người tu hành. Nhà văn Nguyễn Văn Hầu nhận xét: “Người ta thấy nếp sống gần với thiên nhiên nầy rất thi vị và thoát tục, nên vui lòng theo đuổi mãi công việc”.
Sống trong cảnh “Huê tươi trước mặt thơm tho nực / Thú dữ bên mình nhã nhớn chơi” nhưng họ không chùng chí mà vẫn có thể “Dày cỏ tới lui trời đất rộng / Ao sen xài xạt núi sông dài”. Có lẽ bởi, tâm hồn người tu hành đã rời khỏi sự tác động của ngoại cảnh: “Một tấm lòng nhàn mây sắc trắng / Trăm đường tục lợi nước màu xanh”. Rõ chẳng phải là thoát tục đó hay sao? Và, rao giảng thuyết “tận thế” và vùng Thất Sơn chính là “thánh địa” cũng chính là một hình thức “doanh điền” hết sức độc đáo để gom dân về vùng hẻo lánh, khuyến khích định cư và canh tác, làm vùng đất khô cằn nầy trở nên trù phú.
Đã qua gần hai thế kỷ nhưng mô hình “Trại ruộng” độc đáo vẫn đầy kỳ bí và hấp dẫn trong mắt các nhà nghiên cứu. Về phía những tín đồ, họ vẫn tiếp tục trùng tu cơ sở và không ngớt hương khói đối với bao công lao của người xưa. Bên cạnh những di tích đó còn có núi Két tên chữ là Anh Vũ Sơn cũng mang nhiều dấu ấn của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch gần xa. Dẫu là di tích của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ngày nay còn lại không nhiều. Nhưng mỗi nơi, mỗi câu chuyện là những bài học lớn cho người đời sau.
VĨNH THÔNG
( Châu Phú )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét