TRANG CHỦ

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

* THƠ NÓI HOANG CỦA THÁI QUỐC MƯU - Bài viết Châu Thạch




 THƠ NÓI HOANG CỦA THÁI QUỐC MƯU                              
 Bài viết : Châu Thạch   
   
 Tự điển VN định nghĩa chữ “ngộ nghĩnh” là “lạ và khác thường”. Vậy tôi xin dùng chữ nầy để nói về một số bài thơ của nhà thơ Thái Quốc Mưu.  

    Tất nghiên chữ ngộ nghĩnh không dùng như nói một đứa bé ngộ nghĩnh mà ở đây là những bài thơ ngộ nghĩnh tức là những bài thơ có sự tinh tế và độc đáo riêng của nó. Độc đáo vì những bài thơ nầy có một chút lập dị, một chút ngông, một chút hài hước nhưng ý có chứa ẩn dụ cho đời suy nghiệm.

    Trước hết hãy đọc bài thơ “Bãi Biển Chiều Buông”:

          Bãi biển chiều buông sóng dập dồn

          Cạn nguồn ta kết thử vần ôn

          Từng bầy xuân nữ nằm phơi rốn

          Mấy đám thanh niên đứng ngắm... ồn

          Đồi núi cỏ cây chen chúc lá

          Triền khe mạch suối luyến lưu hồn

          Ông to, ông nhỏ, ông…dân giả

          Nào kẻ chẳng mê thú vỗ... ồn.

    Đọc hai câu thơ đầu ta tưởng nhà thơ Thái Quốc Mưu là người không biết làm thơ, vì bí thế không tìm ra từ ăn vận với chữ “dập dồn” ở câu thơ trên nên ghép đại chữ “vần ồn” vô nghĩa vào thơ. Thường thường đó là cách làm thơ “con cóc” của những người mù tịt về thơ. Thế nhưng đọc tiếp những vế thơ sau thì ta thấy chữ “vần ồn” mở ra một bầu trời rộn rịp, vui vẻ của bãi biển chiều buông. “Vần ồn” từ chỗ khô cứng trở thành cánh cửa linh hoạt cho ta bước qua một khung trời tươi vui, đã mắt.

    Thế rồi hai câu thơ tiếp:

          Từng bầy xuân nữ nằm phơi rốn

          Mấy đám thanh niên đứng ngắm... ồn

    Có thể nói rằng hai câu thơ nầy tác giả tả chân. Hình ảnh các cô gái thanh xuân nằm phơi nắng hiện ra gần như lõa lồ trước mắt chúng ta. Hình ảnh mấy đám thanh niên với cái nhìn khả ố cũng hiện ra trước mắt chúng ta. “Ngắm... ồn” là ngắm gì? Ồn là tiếng động thì nghe bằng tai chứ làm sao ngắm bằng mắt được. Tất nhiên người đọc phải hiểu chữ “ngắm... ồn” theo nghĩa xấu hơn qua hình thức thêm chữ “L” trước chữ “ồn”. Câu thơ đến đây trở thành tục và hình ảnh đến đây trở thành dục. Tuy thế cái tục và cái dục trong thơ không làm cho chướng mắt chướng tai mà hiển hiện ra trong trí ta một bức tranh sống động với những hình ảnh, những âm thanh vui tai, vui mắt.

    Hai câu luận của bài thơ như sau:

          Đồi núi cỏ cây chen chúc lá

          Triền khe mạch suối luyến lưu hồn

    Hai câu thơ nầy tác giả tả phong cảnh trên bãi biển nhưng cố ý làm cho người đọc liên nghĩ đến những bộ phận trên cơ thể các cô xuân nữ đang nằm “phơi rốn” kia. Cách chơi chữ trong hai câu thơ trên làm cho hình ảnh như một bức tranh phóng tác và làm cho hình ảnh tục mà ta liên tưởng tới không trắng trợn.

    Đến hai câu kết của bài thơ tác giả dùng cái cười chế diễu theo kiểu Hồ Xuân Hương xưa kia để gom hết người đời vào trong cái sở thích “làm ở chỗ kín” kia:

          Ông to, ông nhỏ, ông... dân giả

          Nào kẻ chẳng mê thú vỗ... ồn

    Lại chơi chữ “vỗ... ồn” nữa. Chắc chắn người đọc nào cũng nghĩ rằng phải thêm một chữ “L” trước chữ “…ồn” là đúng ý.

    Thật ra tác giả chơi chữ thật là khéo léo, không dùng cách nói ngược như nhiều người đã thường dùng từ xưa đến nay. Chữ “ngắm... ồn” trong câu thơ trên thật ra là “ngắm cồn”. Có thể hiểu ngầm “ngắm cồn” là ngắm các phần nhô lên trên thân thể các cô nằm phơi nắng, còn nghĩa trắng là ngắm các đồi cát trên bãi biển chiều buông. Chữ “vỗ... ồn” trong câu thơ dưới thật ra là “Vỗ bồn” có nghĩa là mọi người đều thích vỗ bồm bộp trên mặt nước khi tắm trên biển hay khi ngồi tắm trong bồn. Ngoài ra, “vỗ bồn” còn là điệu nhịp, một thú chơi tao nhã của giới của tao nhân mặc khách. Thầy Trang Tử từng “vỗ bồn vừa ca”.

    Hai chữ “ngắm... ồn” và “vỗ... ồn” được tác giả giải thích cuối bài thơ sau khi để cho người đọc được cười tủm tỉm trong cái vui hiếu kỳ và cười vui vẻ khi hiểu ra các chữ đánh đố kia.

    Bây giờ ta hãy đọc tiếp một bài thơ “ngộ nghĩnh” khác của Thái Quốc Mưu:

          CỘI NGUỒN

          Ta vốn sinh ra ở chốn nầy

          Bởi dòng kinh, đất bị chia hai

          Ven bờ chằng chéo dây leo phủ

          Hạt giống gieo neo giữa luống cày

          Mương rạch xẻ lằn như mắc cưởi

          Ranh rìa đắp cạn chẳng kiêng ai

          Soi bờ lỗ mội tuông ra rả

          Hôm sớm cứ lo đóng cọc hoài.

    Trong bài thơ “Cội Nguồn” tác giả tả nơi chốn mình sinh ra nhưng dòng thơ cũng khiến cho người đọc liên tưởng cái bộ phận mà mọi người đều chui ra từ đó.

    Chữ “Cội Nguồn” mang hai ý nghĩa, một nghĩa trắng và một nghĩa đen. Nghĩa trắng chỉ gốc gác của người là một vùng đất hoang sơ, nghĩa đen chỉ “cái chỗ” nơi mà người sinh ra nó cũng rậm rạp như thế. Ta thấy dầu bài thơ nầy mang ý nào thì chốn “cội nguồn” rất phì nhiêu ấy cũng đem đến cho ta sự thanh tịnh, lắng đọng trong tâm hồn và một sự yêu mến trước hình ảnh dòng kinh, mương rạch kia. Khi hiểu theo nghĩa trắng của bài thơ thì “Cội Nguồn” là địa phương nơi tác giả sinh ra. Nhưng, khi hiểu theo nghĩa đen của bài thơ thì “Cội Nguồn’ là nơi mọi người từ lòng mẹ chui ra. Tác giả cố ý tả cái phong cảnh còn hoang sơ như từ thuở hồng hoang để ám chỉ cái chỗ mà loài người lọt ra, làm cho bài thơ không dung tục mà chan chứa hình ảnh gắn bó thân yêu nữa.

    Bây giờ xin mời bước qua cái “Sân Tennis cũ” của tác giả:

          SÂN TENNIS CŨ

          Cái sân Ten-Nít đã bao đời

          Sạt lún lung tung chỗ lõm, lồi

          Mấy vạch phân chia ba bốn mảnh

          Đường viền đứt đoạn mấy lằn vôi

          Chung quanh cỏ mọc lan tràn khắp

          Một vũng nước dâng mấp mé rồi

          Cây vợt nằm lỳ trên góc xó

          Banh lông hai quả chẳng còn hơi.

    Cái sân Tennis cũ thì chẳng có gì đặc biệt nhưng tác giả đã lồng vào nghĩa đen của bài thơ làm cho bài thơ trở nên có ý nghĩa và làm cho cái sân Tennis thật trở nên sinh động. Sự loan lỗ của cái sân Tennis cũ là một sự phí phạm nơi dùng để vui chơi của con người. Những hình ảnh miêu tả cái sân làm ta liên tưởng đến cái của giống cái và cái của giống đực bị bỏ không thật là phí phạm.

    Hai đồ vật phồn thực của giống cái và giống đực được tác giả đem phơi bày lộ thiên được mô tả dưới hình ảnh cái sân Tennis nên mất đi cái hình ảnh xấu khó nhìn. Cái sân Tennis là nơi con người chơi thể thao đã bị bỏ đi hư hao nhưng qua sự diễn tả khéo léo của tác giả, người đọc liên tưởng cái sân thành bộ phận của nữ và của nam bị “bỏ quên” không hoạt động lâu ngày và trở nên vô dụng.

    Tác giả thái Quốc Mưu còn nhiều bài thơ như thế, những bài thơ mà tôi cho là “ngộ nghĩnh” vì nó luôn luôn mang hai hình ảnh và một ý nghĩa. Một hình ảnh thật là hình ảnh mô tả sự vật thật của nó. Một hình ảnh ảo được gợi lên từ hình ảnh thật khiến cho người đọc cười tươi vui vẻ thích thú! Cả hai hình ảnh đều hàm chứa một ý nghĩa trong lẽ sống ở đời. Đa số những bài thơ loại nầy tác giả không dùng từ ngữ nặng nề. không dùng hình ảnh thô tục trắng trợn nhưng vẫn đem đến cho người đọc nụ cười hóm hỉnh.

    Tất nhiên các nhà thơ làm thơ theo kiểu “nói hoang” như thế ít nhiều gì cũng chịu ảnh hưởng của thơ Hồ xuân Hương. Tuy nhiên Thái Quốc Mưu không rập khuôn theo phong cách xưa cũ mà riêng ông tạo được cho mình một sắc thái mới.

    Thơ “nói hoang” của Thái Quốc Mưu có hình ảnh không lộ liểu phản cảm, có nụ cười dí dỏm nhẹ nhàng, như cách nói đùa lý thú của các bậc túc nho uyên thâm thời xưa vậy.  

CHÂU THẠCH
( Đà Nẵng ) 
__
Tác giả: CHÂU THẠCH 
Tên thật: Trương Văn Trạn 
Quê: Quảng Nam  
Chỗ ở hiên nay: 75 Phan Kế Bính, TP. Đà Nẵng  
Điện thoại: 0511.3894610
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét