TRANG CHỦ

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

* ĐỌC " TIẾNG QUÊ " CỦA LÊ VĂN THẬT - Bài viết Châu Thạch



 
ĐỌC TẬP THƠ " TIẾNG QUÊ " CỦA LÊ VĂN THẬT

                               Bài viết : Châu Thạch



       Mở tập thơ " TIẾNG QUÊ ", đọc bài thơ đầu tiên " Đêm Chơi Vơi ", tôi đạt ngay được niềm vui thưởng thức: 

Sáng mai nầy con sẽ về, mẹ ạ
Mẹ đừng chờ bên song cửa bâng khuâng
Mẹ đừng bước dưới trời khuya lạnh giá
Đừng ra đồng cấy lúa giữa đêm sương…


Sáng mai nầy tôi trở lại quê hương
Trời phố thị buồn thiu tiễn biệt
Cô bạn nhỏ, đôi mắt buồn thê thiết
Tiễn lên đường…có nói được gì đâu !



   Đem tin vui về thăm Mẹ và nỗi buồn xa em tá khách vào nhau trong một bài thơ là ý thơ rất mới, diễn tả được tâm trạng chuyển biến theo hai hướng buồn vui lẫn lộn. Về thăm Mẹ thì vui nhưng xa em thì buồn. Mẹ và em, buồn và vui quyện vào nhau trong tâm hồn là sự phát hiện về tâm lý mà ít có nhà thơ nào để ý tới. Kèm theo sự phát hiện đó, lời thơ mượt mà đầy ắp tình yêu với Mẹ, đầy ắp tình yêu của em khiến sự ấm áp lan tỏa trong mỗi dòng thơ, trong lòng người đọc.
   Mẹ, chắc chắn là chủ đề đầu tiên trong

“Tiếng Quê”. Mỗi bài thơ về Mẹ của Lê Văn Thật đều rót vào lòng ta muôn vàn tình thương yêu thắm thiết. Hình tượng Mẹ được nhà thơ dựng lên vô cùng cao rộng: 

Tấm lưng còng uống vòng trời rực nắng
Bóng mẹ chiều… nghiêng cả cánh đồng xa

                                              ( Mẹ)


   Nhưng khi để nói lên tình yêu thương của mình với Mẹ thì nhà thơ không dùng câu, từ cường điệu, sáo ngữ bao giờ. Điều đó có tác dụng tỏ bày được tấm lòng chân thật của người con và tồn tại được sự cảm nhận nhỏ bé của mình trước mẹ: 


Giá như có một lần thôi
Giá như có một lần thôi. Mẹ còn
Được kêu lên: mẹ của con
Được nhìn dáng mẹ héo hon…trường đời
Được hôn mái tóc sương phơi
Được nằm, nghe mẹ ru hời…đong đưa…

                       (Ngày xuân nhớ mẹ) 


   Đọc tiếp từng bài thơ trong “Tiếng Quê”, tôi phát hiện ra tiếng thơ của Thật đúng là tiếng quê, nhưng không phải tiếng của loài ếch nhái như nhà thơ tự nhận về mình, mà đó là tiếng quê chắt lọc từ tinh hoa của hương đồng cỏ nội, được trải nghiệm qua thăng trầm cuộc đời, rút ra sự trong trẻo vô biên để ướp vào trên từng trang giấy.
Ta hãy nghe lê văn Thật tả người thầy:


Con lặng nhìn dòng sông vô tư
Gió lạnh lùng cứ đuổi theo mặt nước
Chỉ có con đò là đi ngược
Chơi vơi…trĩu nặng…bồng bềnh…


Ông lái đò …cố gắng…chênh vênh…
Vẫn không thấy con đò nhích về phía trước
Con bỗng nhớ thầy…bao khó nhọc
Mỗi lớp đi qua như một chuyến đò đầy.

                                    (Thầy Ơi)


   Ví người thầy như ông lái đò có hàng trăm hàng vạn câu thơ đã viết. Lê văn Thật cũng ví người thầy như thế, nhưng khác hàng trăm hàng vạn câu thơ kia, đã làm cho hình ảnh người thầy sống động lên. Sự khó nhọc của người thầy được nhà thơ cho hiện lên tường tận trước mắt ta, kích thích sự so sánh hai cuộc đời trong lòng ta rỏ nét.
   Ngoài ra, công lao người thầy cũng được nhà thơ ca tụng trong nhiều bài thơ nữa, nhưng khác hơn, thơ còn là sự chiêm nghiệm cho chính ích lợi của đời mình khi nhớ ơn thầy:


Cây đã ngọt lẽ nào sinh trái đắng
Ai quên thầy, cũng mất một phần ta

                           (Người Thầy)


   Trong “Tình Quê” người thầy được dựng nên rất đẹp, trong đó hình ảnh người thầy được nhà thơ vẽ lên trong ánh trăng là thi vị, nên thơ và đẹp nhất:

Hết một ngày trời cùng thầy say giảng
Suốt đêm thâu trăng tỏa sáng từng bài

....

Xong chuyện rồi, trăng thả mình hạnh phúc
Chuẩn bị đi, trời rạng ánh hồng tươi
Đủng đỉnh trời lên
Ung dung thầy bước
Họ nhìn nhau, chào ngày mới lại cười !

                        (Ánh trăng và người thầy)


   Người thầy trong thơ vừa thanh cao, vừa trang nhã, vừa đầy sức sống thanh xuân, vừa tài hoa và tươi thắm. Hình ảnh thầy ở đây có khi được đồng hóa với trăng và đầy phong cách của một nhà thơ. Phải chăng tác giả đã hòa nhập chính đời sống làm thầy, làm thơ của mình vào trong thi tứ ?
   Tình yêu quê hương cũng là chủ đề chính của “Tiếng Quê”. Nhiều câu thơ trong đó biết đâu có thể trở thành bất hủ trong tương lai:

Khi tuổi trẻ tiến dần lên mơ ước
Thì hoang vu cũng biết chọn tên mình

                    (Nông trường Tràm Cát)


Người xưa sống trong lòng người đang sống
Nên hương trầm xin gửi đến tương lai

                                           ( Về Nguồn)


   Đặc biệt tình yêu Tây Ninh trong dòng máu tác giả được truyền vào lời thơ dạc dào tình cảm. Em được lồng vào đó chỉ để tác giả gởi gắm tình yêu thắm thiết của mình với quê hương xử sở:

Lên núi lạy bà cầu duyên em nhé
Trên cáp treo ta giỡn với mây chiều
Kìa Lòng Hồ miên man làn sương phủ
Đây cánh đồng xanh cả mắt em yêu


Ta chếnh choáng với tím màu Vàm Cỏ
Gánh đôi bờ xanh cả đất Tây Ninh
Chiều lửng lơ những con thuyền lãng tử
Bác nông phu nhìn cánh lúa cười tình

                             (Xuân và nỗi nhớ)


   Tình yêu tha nhân trong mỗi bài thơ của Lê văn Thật cũng đẹp như chùm hoa long lanh sắc màu nhân ái. Những bài thơ như “Mãnh đời bất hạnh”, “Chuyến xe Tây Ninh” kể về những việc làm, những cử chỉ đầy nhân tính xảy ra giữa đời thường, đem đến cho ta sâu nhiệm bài học yêu thương.
Tình yêu nam nữ trong thơ Lê Văn Thật cũng có, nhưng trên hết là tình yêu gia đình, cho ta hết thảy sự nồng nàn có được của người cha, người chồng, người vợ, người con chân chính. Bài thơ “Em không đi Đà Lạt” cảm động vô cùng khi nhà thơ viết về một ước mơ không thành của vợ và con:


Nhắm mắt lại…vẫn thấy thông Đà lạt
Xòe tay ra…như chạm cả mây trời

                     (Em không đi Đà Lạt)


Nhưng rồi ước mơ đó không thành cho nên:

Anh pha bình trà…
Mùi Đà lạt cứ dâng đầy sóng mắt
Hai công chúa ngắm giàn hoa trước mặt
Hoa rực màu…màu Đà lạt hoàng hôn

                           (Em không đi Đà Lạt)


   Trong bài thơ nầy, Đà Lạt đẹp vô cùng trong tâm tưởng nhưng còn đẹp hơn nữa là sự hòa hợp, sự cảm thông nhau của một gia đình đồng ấm.
   Những lời thơ viết cho vợ, cho con trong “Tiếng Quê” chẳng khác gì tiếng ru của muôn vàn âm thanh thân thương, vừa nhẹ nhàng trầm ấm, vừa thắm thiết thân thương:


Bởi yêu nhau, ta vì nhau mà tiến
Những lời khuyên anh giữ để làm người
Có em anh thấy trời xao xuyến
Mỗi giây đời…ta cũng hóa thành nhau

                                     (Hạnh Phúc)


Con sẽ là mặt trời
Của cha mẹ cả một đời vun đắp
Của em con đang tràn đầy mơ ước
Gia đình mình hạnh phúc lắm
Con ơi !

                          ( Viết cho con gái lớn)


   Người đọc qua thơ hiểu gia đình của tác giả, không chỉ thấy hạnh phúc vì lời thơ hay mà còn thấy hạnh phúc vì lây sự thương yêu chân thành, cao thương, văn hóa của một gia đình.
   “Tiếng Quê” còn viết về bạn bè, về thơ, về những danh lam thắng cảnh đã đi qua. Mỗi bài thơ trong “Tiếng Quê” mang dáng dấp hài hòa, lung linh của tháp cổ Bình Thạnh in ở bìa trang sách. Tuy nhiên không tìm thấy rêu mốc của thời gian mà chỉ thấy ánh nắng vàng ươm trên từng viên gạch hay nói khác đi, trên từng dòng thơ mà tác giả dựng lên .

CHÂU THẠCH
( Đà Nẵng )

___


LÊ VĂN THẬT
Giáo viên Trường THPT  Bình Thạnh (Tây Ninh)
Số điện thoại: 0938 229 720
Email: lv.that@yahoo.com.vn
Tài khoản: 5704205008233 - Aribank - Trảng Bàng -Tây Ninh



  





1 nhận xét:

  1. Cảm ơn nhà thơ Châu Thạch đã cảm nhận như nỗ lòng tác giả. Cảm ơn anh Trúc Thanh Tâm đã đăng bài. Kỷ niệm nầy xin nhớ mãi.

    Trả lờiXóa