ĐÃ TƯỞNG KHÔNG CÒN CẦM BÚT NỮA
Giải phóng miền Nam 30-4.
Là sĩ quan VNCH, dù chỉ là sĩ quan trưng tập ngành quân y,
nhưng với cấp bậc Dược sĩ trung úy, tôi phải trình diện đi học tập cải tạo. Từ
tháng 5.1975 đến tháng 1.1978, tôi sống trong hàng rào của những trại cải tạo
khác nhau ở Phú Lợi (Bình Dương), Thành Ông Năm (Hóc Môn, Sài Gòn), Cà Tum (Tây
Ninh), Long Giao (Đồng Nai). Trở lại Thành Ông Năm lần thứ nhì vào dịp trước tết
Mậu Ngọ không lâu, tôi nhận được quyết định ra trại có ghi “Trả lại quyền công
dân tại chỗ” trước Tết chỉ dăm ngày.
Chuyện là sĩ quan trưng tập VNCH, chuyện phải đi cải tạo, thậm
chí cả với chuyện trước đó anh bí thư chi bộ xã tôi ở vừa về tiếp quản, nghe
chuyện tôi từng chuyển thuốc tây vào trại giam Tân Hiệp cho tù chính trị đã gợi
ý viết giấy xác nhận “có công với cách mạng” để tôi không phải đi cải tạo – và
tôi từ chối vì thực tâm mình chỉ làm việc đó vì lý do nhân đạo; tất cả với tôi
đều là chuyện của lịch sử mà mình là một cá nhân trong xã hội phải tham gia. Điều
khiến tôi quan tâm hơn cả là việc ưa thích của mình là sáng tác rồi sẽ ra sao?
Hồi mới vào trại cải tạo ở Phú Lợi, tôi tình cờ đọc được một
tờ báo trong đó có thông tin về những tác giả trước 1975 ở miền Nam và tác phẩm
bị cấm. Trong danh sách dài ấy có tên tôi: tác giả Nguyễn Thái Hải và 7 đầu
sách Tuổi Hoa đã in (Cuốn cuối cùng “Con dốc cổng trường” không có trong danh
sách này vì nó mới in xong, chưa kịp phát hành). Tôi ấm ức nghĩ: mình viết cho
thiếu nhi, dạy các em làm điều ngay lẽ phải, chứ mình có làm chính trị gì đâu
mà sách cũng bị cấm? Rồi tự chấp nhận: Thế là cuộc đời cầm bút của mình chấm dứt!
Trở lại với cuộc sống bình thường cùng gia đình từ đầu năm
1978 và sau 5 tháng cùng cha già đi làm rẫy mì ở cách nhà hơn chục cây số, rồi
nuôi heo thịt sau nhà, tôi được nhận vào làm việc tại Công ty Dược phẩm cấp II
Tỉnh Đồng Nai từ tháng 6.1978. Một năm “thử thách” qua đi, giữa năm 1979 tôi mới
được xét vào biên chế chính thức của Công ty và được giao phụ trách quầy thuốc
phân phối cho các cơ quan trong tỉnh, trực thuộc Hiệu thuốc Biên Hòa. Một năm
sau nữa, năm 1980, tôi được điều lên phòng Kế hoạch Nghiệp vụ của Công ty
làm... Trưởng Phòng. Thực sự tôi không hiểu hết lý do vì sao một sĩ quan chế độ
cũ phải đi cải tạo như tôi lại được bổ nhiệm vào một chức vụ quan trọng của một
công ty như thế. Đáp lại, tôi làm việc đúng chức trách của mình, với sự cố gắng
có thể có. Có lúc tôi lại lý giải theo kiểu của mình: Đó là chuyện của lịch sử!
Vâng! Trước sau, điều canh cánh trong lòng tôi vẫn là việc
sáng tác! Tính từ năm 1975 đến 1981 là 6 năm tôi không có sáng tác nào in ấn
trên báo. Tôi cũng không viết gì dù chỉ viết rồi để đó. Tôi đọc báo, chờ một
văn bản gì đó về các tác giả trước 1975 nhưng chẳng thấy gì. Một hai cuốn sách
được in dạo đó nói về làng văn Sài Gòn cũ thì toàn là lên án, bêu xấu các tác
giả. Tên tôi không thấy ai nêu ra có lẽ vì tôi chỉ viết cho thiếu nhi. Nhưng biết
đâu ở đâu đó có người đã viết về tôi mà tôi không được đọc! Một chuyện nhỏ là
trước nay tôi đều viết trực tiếp trên máy chữ chứ không viết tay lên giấy. Nhà
tôi có đến hai cái máy chữ thì đều bị “tịch thu” hoặc được gợi ý “hiến tặng” cho
địa phương. Làm ở quầy thuốc phân phối cơ quan cũng không có máy chữ. Chỉ đến
khi lên nhận phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, tôi mới có dịp được sử dụng máy đánh chữ
của phòng. Chính cái máy đánh chữ và sau vài lần ngồi trực tiếp đánh văn bản
báo cáo, đã kéo tôi trở lại việc sáng tác. Tôi nhớ, chỉ trong một buổi chiều rảnh
việc, tôi đã viết xong truyện ngắn “Trạm xá ngoại thành” trên cái máy chữ ấy!
Truyện viết về một cô y sĩ mới ra trường về nhận nhiệm vụ tại một trạm xá và phải
đương đầu với những sự tiêu cực nơi đây.
Thời gian ấy tôi đã mua đọc tờ Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí
Minh ra hàng tuần và tờ Văn Nghệ Đồng Nai ra hàng tháng, cả hai đều in khổ lớn
30x40cm. Còn ngại tiếp cận với giới văn nghệ địa phương, tôi chọn tờ Văn Nghệ
TP HCM để gửi truyện ngắn “Trạm xá ngoại thành”. Điều khiến tôi phân vân là nên
ký tên cũ – Nguyễn Thái Hải – hay ký một bút danh khác nào đó. Cân nhắc nhiều mặt,
cuối cùng tôi quyết định thử xuất hiện với một cái tên hoàn toàn mới để tự thử
sức mình, để xem “người ta” đánh giá thế nào về một người sáng tác “mới toanh”?
Tôi lấy tên cậu con trai ba tuổi ký dưới truyện ngắn “đầu tay” của mình rồi gửi
đến tòa soạn báo Văn Nghệ TP HCM theo đường bưu điện. Thật bất ngờ khi chỉ sau
hai tuần, truyện “Trạm xá ngoại thành” có mặt trên tờ báo chuyên ngành văn nghệ
của TP Hồ Chí Minh một số cuối năm 1981.
Niềm vui trở lại với tôi. Như vậy là mình chuyển qua viết
truyện “người lớn” coi bộ cũng... được. Lại còn khai sinh ra một “người viết mới”:
Khôi Vũ!
KHÔI VŨ
( Biên Hòa )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét