TRANG CHỦ

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

* THAY LỜI TẠ LỖI - tùy bút của Vũ Thủy





THAY LỜI TẠ LỖI

     1. Hôm đó là ngày đầu năm 2008, tôi đang ngồi trước nhà nâng niu o bế con “ La ” già được khai sinh đâu hồi năm một ngàn chín trăm bảy mươi tám – phương tiện kiếm cơm cho cả gia đình tôi với một vợ và ba đứa cháu ngoại bằng cái nghề chạy Honda ôm – Nguyệt Lãng dắt theo một gã già khụ gầy khô khốc như que củi, đạo mạo như một vị tu sĩ, thì ra là Kha Tiệm Ly viết văn, làm thơ ở Tiền Giang. 

      Bất ngờ, bởi từ năm 1986 sau khi chia tay tôi về Bến Tre, Nguyệt Lãng ở lại rừng cao su Bù Đăng tỉnh Bình Phước. Và kể từ đó bẵng đi mấy mươi năm, hai chúng tôi mới gặp lại nhau.
     Về Bến Tre lần nầy – sở dĩ tôi nói “về” là vì Nguyệt Lãng cũng là dân Bến Tre – để nhận giải nhất cuộc thi viết bài ca vọng cổ mừng Thị xã Bến Tre được công nhận là Thành Phố trực thuộc tỉnh.
      Đêm đó. Lần đầu tiên sau mấy mươi năm mới có dịp tham dự một lễ hội được tổ chức qui mô hoành tráng như thế, tôi choáng ngợp khi ngồi ở hàng ghế dành cho khách mời nhìn lên sân khấu rực sắc màu, vừa mừng cho bạn lại có cái cảm giác bâng khuâng khi nghe cô dẫn chương trình xướng tên tác giả trúng giải.
     Đêm đó. Tôi, Kha Tiệm Ly, Nguyệt Lãng, có thêm Trúc Thanh Tâm lặn lội từ Châu Đốc qua, bốn đứa chén mày chén tao không hết ba xị “ Đỗ Khương ” nhưng cũng bù khú rùm beng chuyện đời…hồi nẫm, say sưa thi vị thơ ca, hoài niệm đường xưa lối cũ quên cả thời gian.
      Sáng hôm sau Nguyệt Lãng và Kha Tiệm Ly rủ tôi ra hội Văn Học Nghệ Thuật Nguyễn Đình Chiểu chơi.
     Ở đây tôi được cái cơ may gặp các bạn trong giới văn học, được anh em ân cần trao đổi, xẻ chia, khuyến khích, nhất là hầu như anh em không ai khách sáo như tôi, nhờ vậy máu văn nghệ của tôi nó tan chảy sau gần bốn mươi năm ngủ đông. Tôi thường xuyên đến với hội, hòa nhập vào cái không gian vui vẻ đầy ấp chân tình của những con người làm văn nghệ. Nhà thơ Kim Ba thúc tôi làm thơ, tội nghiệp nhà văn Nguyên Tùng cứ nài nỉ “ Viết đi anh, viết cho vui”. Nguyệt Lãng, Kha Tiệm Ly cũng hùa theo động viên tôi.
     Thế là ngoài thời gian chạy xe kiếm cơm tôi tranh thủ lục lọi tìm tòi những tập sách cũ mà bụi thời gian làm cho úa màu, mối mọt gậm nhấm lỗ chỗ. Mua có, mượn có đọc miệt mài, hâm nóng lại vốn chữ nghĩa đã ngủ vùi thui chột trong tôi suốt mấy mươi năm.


     2. Chữ nghĩa lâu ngày không tôi luyện thì dốt là phải rồi, ý tứ muốn diễn đạt mà câu từ cú pháp lại quá nghèo nàn, viết xong đọc lại thấy không ổn đành phải bỏ, rồi lại cắm cúi viết, mệt mỏi đuối hơi tôi tính bỏ cuộc, lại không nỡ phụ lòng anh em giúp tôi tạm quên sự chán nản mà tiếp tục việc nên làm.
     Tôi có thằng bạn hồi nhỏ học chung trường giờ nhà chung xóm, trước 75 ở Sài Gòn làm thơ đăng báo bút danh Nhược Tiểu nay về quê cầm cuốc làm vườn. Thường trước đây gặp nhau chỉ để trà, rượu hoặc tán dóc, nay thêm hào hứng chuyện thơ văn. Phải thành thật công nhận cái anh chàng nhỏ con nầy lại là cái “ thư viện” bỏ túi, trí nhớ của nó khiến tôi phải chào thua. Chuyện sách, chuyện sử, chuyện thơ nhạc văn chương, kể cả tên tác giả, khi được hỏi không cần tra sách hắn ta vẫn trả lời đúng vanh vách, ví hắn là con mọt sách quả không ngoa chút nào. Cần tư liệu cứ tìm đến va là ngon ơ. Những khởi thảo tôi đều nhờ va góp ý, đôi khi tôi đâm quạu vì hắn chê nhiều hơn khen, lại chê một cách thậm tệ mới “xốc” chứ. Kịp nghĩ lại lý ra tôi phải hàm ơn hắn hơn là trách phiền, bởi những thơ văn, câu chữ tôi hoàn thành đều có công sức của hắn góp vào.
     Thế là viết rồi xóa, xóa rồi viết, cuối cùng cái cảm giác bồn chồn, thấp thỏm, nôn nao chờ đợi – giống hệt như hồi còn trẻ lúc “ khói thuốc vàng tay, mơ màng nhìn mây bay qua ngang khung cửa sổ, ” – cũng được đền bù khi hai bài thơ mới làm cùng lúc được chọn đăng, một trên báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, một trên Tạp chí Hàm Luông Bến Tre. Tôi nâng niu vuốt ve giữ thật chặt nhất là cái trang có bài thơ của mình tôi không dám buông ra sợ nó sẽ bay đi mất. Đọc hoài không biết chán, càng đọc thấy nó càng hay, hay hơn khi nó còn nằm trong bản thảo!
     Thấy tôi cứ đưa bài đến tòa soạn bằng những trang đánh máy nhà văn Nguyễn Nhật Nam nhường cho tôi cái máy vi tính cũ ít khi dùng đến bằng cái giá rẻ như cho. Tôi đem về mò mẫm suốt cả mấy tháng liền vẫn không xong, may nhờ mấy thằng cháu ngoại hướng dẫn cuối cùng mới “uợt, meo” bài vở đến nơi cần gửi đến như bữa nay.
     Nhớ lại những năm trước 75 làm báo cực lắm, bài bắt buộc phải viết trên một mặt giấy sếp “Ty pô” cắt phân ra từng phần cho thợ sắp chữ lăn mực vỗ “Mo rát” giao “Thầy cò” sửa những chỗ thiếu sót , rồi lên khuôn đổ chì làm bảng kẽm. In. Tưởng vậy là thôi sao? Còn phải nạp bản in qua hội đồng kiểm duyệt của Bộ Thông Tin Chiêu Hồi do Hoàng Đức Nhã chủ trì. Đưa được tờ báo đến tay độc giả phải trải qua một vòng công đoạn nhiêu khê.
     Làm báo nhọc nhằn như thế, nhưng con đường đưa tôi gia nhập vào làng báo – lúc bấy giờ - nó lại dễ dàng, hanh thông như người ta bưng chén cơm đưa lên miệng.


     3. Là vầy, tình cờ đọc tờ Thời Đại Mới (sau đổi tên thành Thời Đại Miền Nam ) một tờ báo trung bình ở Sài Gòn, thấy có trang thơ tôi đem bài thơ của mình mới hoàn thành đến tòa soạn gặp anh Vũ Bình Thư. Chiều lại báo phát hành, bài thơ của tôi nằm chình ình trong trang thơ trông nó duyên dáng đáng yêu làm sao ấy. Cái duyên văn nghệ khởi nguồn từ đó. Tôi thường xuyên đến với anh và dần trở thành đôi bạn vong niên – Anh lớn hơn tôi những mười ba tuổi – Qua tâm sự tôi mới biết quê anh ở Bến Tre, làng quê trù phú nép mình bên dòng Hàm Luông dưới rặng dừa xanh. Ở nơi đó từ xa xưa đã trù phú và nổi danh là vùng trái cây ngọt ngon như lời ca vọng cổ và điệu đàng như điệu Lý Cái Mơn.
     Tuy sống ở thành thị nhiều năm nhưng trong anh vẫn còn toát lên vẻ chơn chất bình dị như mẫu chuyện anh kể trong“Đôi cánh chim non bạt gió ngàn” “Dưới rặng trâm bầu” dưới bút danh Vũ Bình Thư. Hấp dẫn như truyện kiếm hiệp “ Lệnh xé xác “ qua ngòi bút tài tình anh lấy bút hiệu là Lã Phi Khanh một thời làm say mê người đọc. Và làm rơi không biết bao nhiêu nước mắt của những con người đa sầu đa cảm qua truyện thơ “Trăng rụng bến Từ Châu” ; khóc thương cho một kỹ nữ hoàn lương gặp phải người chồng bất nhân. Để trừ nợ bạc bài hắn gạ bán nàng cho kẻ thắng cuộc. Quá tuyệt vọng trước sự thật phủ phàng nàng nhảy xuống sông hủy đi mạng sống sau khi cạn dòng nước mắt trao cho gã cái tráp chứa đầy châu báu. Truyện nầy anh ký bút danh là Mặc Thủy.
     Tên thật của anh là Võ Ngọc Thơ, vợ anh chị Nhan Kim Hoàng có hai con, trai tên Tùng, gái tên Sương cùng sống hạnh phúc trong căn nhà gỗ nép mình trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn cảnh Chân bên cạnh chợ Cầu Kho.
     Anh chống chiến tranh bằng cách trốn quân dịch, và ngẫu nhiên sao ấy, từ ngày tôi đến với anh tình hình ngày càng găng, chánh quyền Sài Gòn bố ráp ngày đêm. Có lần nếu không may mắn và nhanh nhạy tránh đi anh đã rơi vào toán tuần cảnh (cảnh sát dã chiến) phối hợp cùng quân cảnh chận đường xét giấy.
     Là lính chế độ cũ tôi may mắn được điều về giữ chân lái xe cho sếp lớn ở Bộ Tư Lệnh Hải quân nên có nhiều thời gian gần gũi với anh. Làm việc sáng đi chiều về, tôi thuê nhà ở đường Nguyễn Cảnh Chân cách nhà anh bốn con hẻm lại chung vách với nhà nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, nên tôi và ông ấy khá thân. Có lần cao hứng ông nói “ Ê Thủy, tao gả con Hương Lan cho mầy đó mầy chịu hôn ? “ Năm đó (1969 ) Hương Lan mới mười bảy tuổi, tôi hai mươi hai không chênh là mấy – Lan chỉ xem tôi như người anh với lại tôi đã có vợ con hiện đang ở dưới quê nên tôi làm thinh cười trừ, rồi mọi chuyện cũng qua đi.


     4. Nhà tôi thuê còn mấy thằng nữa ở chung toàn lính rằn ri, Nguyệt Lãng - lúc trước nó lấy bút danh là Thái Yên Chinh - là lính Hải quân đóng ở Năm Căn Cà Mau, một lần xô xát với lính Địa phương chúng cho “ăn” lựu đạn bể xương gót chân về nằm viện chờ giải ngũ. Tên nầy cũng biết làm thơ, thơ của nó trội hơn tôi mấy điểm. Nó cùng quê với tôi – Làng An Hóa, Châu Thành Bến Tre.
      Chiều nọ tôi đang lúi húi đánh bóng chiếc xe dành chở sếp chợt một bàn tay đập mạnh vào vai làm tôi giật mình, thì ra Nguyệt Lãng. Nó ném xuống trước mặt tôi mấy bài thơ. Hai đứa ghé tòa soạn gởi bài rồi cùng anh Lã Phi Khanh về nhà, từ hôm đó Lãng cùng trọ với tôi luôn. Để đề phòng bất trắc tôi rủ anh Khanh qua nhà tôi ở để tôi “ bảo vệ ” cho chắc ăn. Lãng chưa lấy vợ, phần tôi có vợ mà cũng như không. Nó ngông nghênh bất cần đời, tôi yếm thế bi quan. Chiến tranh đã lôi chúng tôi vào cuộc và kể từ đó chúng tôi mất hết niềm tin. Lãng lang bạt kỳ hồ, tôi bó vào một xó, cả hai không hề nghĩ tới hoặc hoạch định cho mình một hướng tương lai. Làm thơ than vãn cho số kiếp không may sinh vào thời cuộc đen tối. Làm văn nghệ để quên buồn, đi lính chỉ là sự bất dĩ, nên không hề mải mai phân biệt – người bên kia – là bạn hay thù,- thân làm lính nhưng không hề nghĩ mình là lính. Đôi lần thấy tôi ứa nước mắt khi đọc bài thơ lục bát của Bảo Nhân – anh rể của thằng Lãng – trong đó có hai câu “ Một mai lật ngược thế cờ ; Chúng ta là những tội đồ chiến tranh ”. Thật tình bài thơ khá hay nhưng tôi không dám cho đăng.
     Là “lính” của sếp nên tôi có khá nhiều thời gian rảnh rỗi, sáng sớm tôi chở anh Khanh đến tòa soạn. Đưa sếp đến văn phòng làm cho sếp một vài việc vặt là tôi thoát! Bữa nọ tôi ghé qua khu Dân sinh nằm cạnh cầu Calmet sắm cho anh bộ đồ rằn ri mặc vào làm “ thiên thần mủ đỏ ” trông oai ra phết. Thế là từ ngày đó căn hộ của chúng tôi có thêm một tên “ lính trốn quân dịch ” vận sắc phục nhảy dù.
     Hồi nãy tôi quên kể một chuyện, là vầy, qua sự giới thiệu của anh Khanh tôi được ông chủ nhiệm tờ báo Thời đại miền Nam thu nhận vào làm trợ bút cho anh, anh giao cho tôi phụ trách mục thơ và trang kịch trường, tôi nghiễm nhiên thành anh “ ký kịch ”. Anh cũng đồng ý cho tôi mở thêm và chọn đăng truyện ngắn ở trang “Những chuyện buồn trên khắp nẻo quê hương”. Nhờ hai chuyên trang nầy tôi mới kết được nhiều bạn bè xa gần cái duyên nợ thơ văn, dẫu biết giờ ngồi ôn lại với mớ hỗn độn lộn xộn trong cái đầu luôn phải đối phó, đánh vật với chuyện gạo tiền cơm áo cho nên không dễ gì nhớ hết những người cùng tôi ôm ấp mối tình văn nghệ.


     5. Tôi chỉ lan man… Cần Thơ có Trần Duy Cang, Phong Điền có Trần Hòa Nhã, Châu Đốc có Trúc Thanh Tâm, An Giang có Hoài Huyền Thanh, Hậu Nghĩa có Võ Hoàng Lân, Vũ Tường Thu, Tây Ninh có Nguyễn Văn Tài, Hà Nhữ Uyên, Hoài Lệ Thanh; Sài Gòn có Hàn Song Thanh, Ngô Nguyên Nghiễm, Trần Hoàng Vy, Bạch Hạc… Nhưng có nhớ chỉ để nhớ mà thôi.

                                             *
                                          *     *

     Bước ngoặt cuộc đời tôi nó xảy đến đột ngột không ngờ khi quân giải phóng tiến vào thành phố, chính quyền Sài Gòn thúc thủ, hàng ngũ tan rã tôi về nhà với tâm trạng hụt hẫng hoang mang cho dù chính quyền cách mạng luôn trấn an là mấy ổng không trả thù và kêu gọi chúng tôi ra trình diện học tập cải tạo đàng hoàng là ổn.
     Về đến nhà, nhà vắng hoe, mấy thằng bạn lính biến đi đâu mất dạng. Chạy sang nhà anh Lã Phi khanh nhà anh trống không, hỏi thăm chẳng ai biết anh chị dọn đi đâu. Mấy bữa trước thằng Lãng nhận quyết định giải ngũ mừng quá nó vội về quê báo tin vui cho gia đình.
     Ra phường trình diện học tập cải tạo ba ngày xong, tôi ghé qua tòa soạn lòng những mong gặp anh Khanh nhưng tòa soạn đóng cửa. Thế là mọi hy vọng tan biến. Trên đường lang thang đi tìm việc làm tôi có ghé qua tòa soạn vài lần nữa để nghe ngóng tình hình nhưng cửa tòa soạn vẫn đóng im ỉm. Không có thông báo khi nào mở cửa lại.
     Tôi đâm lo, sắp tới tôi phải sống như thế nào đây ? Không còn đồng lương lính, nghề ngỗng không có…Đánh liều, tôi ra Ủy ban Phường bày tỏ ý định về thăm quê, mới hay đang có chủ trương khuyến khích người dân hồi hương lập nghiệp, không chần chừ tôi quyết định đăng ký ngay.
     Vậy là suốt mười mấy năm xa quê nay tôi trở về nơi chan chứa biết bao nhiêu kỷ niệm dấu yêu thời thơ ấu, một nơi chốn mà tôi không bao giờ dám nghĩ rằng sẽ có ngày trở lại bởi khói chiến tranh đã chặn lối đi về. Nơi có con sông Ba Lai quanh co uốn lượn lững lờ trôi chở tuổi thơ tôi bồng bềnh trên mặt nước thu lăn tăn gợn sóng, đến mùa nam từng đám lục bình tách khỏi triền sông trôi dập dềnh theo con nước lớn ròng, bông nở đầy nhuộm tím những hoàng hôn. Nơi con kinh An Hóa cuồn cuộn trong những ngày nước rong chảy xiết. Nơi mà những tháng năm trong thời niên thiếu vào những giờ tan trường, những hôm nghĩ học, tôi cùng lũ bạn kéo nhau ra bãi bần tắm sông hái trái, - bần chua mà ăn kèm với mắm sặc nó ngon khỏi phải nói, - thảng, cả đám rủ nhau bơi xuồng ra cồn Bà Đáng đá banh. Không hiểu sao tôi lại hay ra bờ sông nhìn bông bần rụng trôi theo dòng nước chảy.


     6. Cứ đến mùa gió chướng thi nhau vô cánh đồng trước cổng chùa An Hóa sau mùa gặt thả hồn bay bổng mang những ước mơ theo bầy diều giấy no gió bay lượn trên khoảng trời xanh màu ngọc bích. Nơi cha tôi mỗi ngày thấp thỏm vừa nghe ngóng vừa lo lắng nhận tin con. Nơi vợ tôi cùng hai con nhỏ phải tảo tần quang gánh chợ làng xa, vừa lo toan chuyện cơm áo cho gia đình lại phải chăm sóc thuốc men cho cha chồng già yếu bệnh hoạn. Nơi có con đò ngang đưa tôi đến trường ngày hai buổi đi về. Nơi vào những đêm trăng tròn nhạc sĩ Lê Thương – tác giả trường ca Hòn Vọng Phu, một tác phẩm để đời – ngoài việc hàng ngày giữ chân Tài phú ( giống như thư ký kế toán ) cho Chành Hòa Phát cơ ngơi do một người hoa tên chú Muối làm chủ chuyên thu mua dừa ta về phơi khô ép lấy dầu, tập hợp bọn nhóc chúng tôi ngồi thành vòng tròn ngoài cầu tàu -- được xây hồi tám hoánh nào đó – vỗ tay đánh nhịp dạy chúng tôi hát: “ Ánh trăng trắng ngà có cây da to, có thằng Cuội già ôm một mơ…. … …Cuội ơi…ta nói cho Cuội nghe…”. Ông là bạn kết nghĩa với ông Bảy Ruồi. Nghe nói ông Bảy là dân kháng chiến sau hiệp định được “ điều lắng ” về sống hợp pháp ở dãy nhà sàn khu phố chợ An Hóa. Vào giữa năm 1959 không rõ nguyên nhân nào xui ông treo cổ tự vẫn. Ông Bảy Ruồi chết đi mang theo sự bí ẩn và những ngày sau tang lễ không ai còn thấy nhạc sĩ Lê Thương đâu nữa. Ông âm thầm bỏ đi biền biệt. Ông đi nhưng bài đồng dao vẫn ở lại và sống mãi trong lòng bọn nhóc chúng tôi đến tận bây giờ, dẫu rằng không ai trong chúng tôi dám chắc chắn còn nhớ đầy đủ bài hát ấy nhưng có một điều chắc như đinh đóng cột là những ngày tháng ấy không thể nào phai trong ký ức.
     Trước kia gia đình tôi sinh cư nằm bên kia kinh An Hóa, địa giới thuộc huyện Bình Đại, thế nhưng ba ấp An nhơn 1, An nhơn 2, An nhơn 3 về hành chánh lại thuộc thẩm quyền quản lý của An Hóa. Đến những năm bảy mươi chiến tranh ngày càng khốc liệt, đồn của quân Sài Gòn bị bứt rút nên ở đây trở thành vùng tác xạ tự do nên cha tôi quyết định tản cư qua chợ An Hóa để tránh bom đạn vô tình. Khu chợ ngoài hai dãy phố nằm cặp hai bên cái nhà lồng to kềnh được xây hồi Tây chiếm đóng, dọc mé bờ kinh nhà sàn mọc lên dày đặc kéo dài đến doi Năm Xây.
     Khi tôi về đến quê nhà vào Ủy ban nhân dân xã trình giấy tờ xong, trên đường về nhà tiện đường tôi ghé thăm vài người quen cũ, Hỏi thăm mới hay cha tôi cùng với vợ và con tôi đã hồi cư, về lại Ấp An nhơ hồi trước bây giờ được trả về huyện Bình Đại đổi tên là Long Hòa.
     Khi tản cư đất đai cha tôi gởi lại cho người cùng thôn vì một lẽ riêng ở lại trông coi, nay trở về nhờ sự giải thích chuyện nhường cơm xẻ áo của chánh quyền nên hai bên đi đến thỏa thuận cắt tám công đất chia cho người đó một nửa vì họ đã ở lại bám đất chịu bom chịu đạn. Lòng tôi xốn xang nhìn cảnh xác xơ tiêu điều của mảnh vườn trước kia từng hàng dừa thẳng tắp trái sai oằn nay chỉ toàn những bờ chuối còm cỏi đứng chen trong rừng cỏ dại. Bởi khi chính quyền Sài Gòn khai quang để đóng đồn họ đã triệt hạ những cây dừa mà cha tôi đã dày công vun trồng. Buồn thay phần đất mà cha tôi nhận được lại nằm trong diện tích có dừa bị đốn vì nó nằm sát vòng rào kẽm gai bao quanh đồn, trái lại phần của người kia được ưu tiên chọn trước lại nằm cách xa đồn nên không mất cây nào.
     Có lẽ để tự an ủi mình và trấn an tôi nên cha tôi nói với tôi “ Thôi còn người còn của là mừng rồi con à. Không sao đâu, trời sanh voi ắt sanh cỏ mà con.”
     Không lâu sau cha tôi ngã bệnh, nhà nghèo bao nhiêu tiền dành dụm đều tiêu sạch, chỉ còn mấy thang thuốc của thầy Mười Ưng – ông thầy thuốc “Bắc” chuyên coi mạch bốc thuốc miễn phí – không cấm cự được bao nhiêu ngày cha tôi qua đời. Cố quên nỗi đau mất cha tôi cùng vợ tiếp tục chăm sóc lại miếng vườn, trồng thêm cây trái và tận dụng thời gian còn lại đi làm thuê kiếm sống.
     Đó là vào một buổi sáng đầu năm 1978 tôi gánh chuối lên chợ An Hóa bán đổi gạo. Tôi không dám tin vào mắt mình khi thấy anh Lã Phi Khanh đang ngồi bơm mực cho khách bên góc chợ. Mừng quá đổi chúng tôi ôm nhau rưng nước mắt. Đưa anh về nhà và cố cầm anh ở lại, anh làm thinh tỏ vẻ đồng ý nhưng thấy trong mắt anh thoáng buồn. Vợ tôi rất mừng khi bất ngờ gặp lại anh. Chúng tôi không giấu anh cảnh nhà nghèo và những bữa cơm đạm bạc chúng tôi cùng ăn với nhau đầy ắp chân tình. Tiền không có nhưng con cá dưới sông nhiều vô kể, chỉ cần lấy rổ xúc xuống mương đảo vài vòng là tôm huơ râu đỏ cả một vùng nước đục, đem về chỉ để ăn chớ bán chẳng ai mua bởi ở đâu cũng có. Rồi thì nướng có mà luộc cũng có. Dọn lên, tôi cùng lai rai vài ly rượu cùng rôm rả ôn lại chuyện đã qua.   Duy có một điều cho đến bây giờ khi nhớ lại tôi không thể náo tha thứ cho tôi tại sao lúc đó tôi không hề hỏi thăm chị và các cháu cùng chuyện nhà chuyện cửa ra làm sao. Chừng mươi ngày sau đó như thường lệ anh mang túi đồ nghề qua chợ bơm mực, bởi những ngày nầy muốn mua một cây bút bi là chuyện khó có thể, nên công việc anh làm cũng “kiếm cơm” được qua ngày. Hôm đó chúng tôi chờ quá bữa cơm mà anh vẫn chưa về, nóng lòng tôi qua đó tìm anh. Tôi đi hết một vòng chợ vẫn không thấy dò la hỏi thăm có người nói thấy anh xuống đò Thới Thuận đi rồi – Chuyến đò mỗi ngày một lượt bắt đầu từ Thới Thuận đi Mỹ Tho.
     Không còn gì để mà nghĩ ngợi, chắc chắn một điều là anh đã đi vì không muốn để chúng tôi phải lo lắng chuyện ở ăn của anh. Tôi đâm giận anh, bất quá mỗi người chỉ cần nhín ra một phần cơm ít ỏi là đủ cho anh no bụng chớ có nhiều nhỏi gì đâu mà anh ngại. Giận. Tôi nghĩ không lẽ nhìn cảnh cả nhà ăn độn mà anh xót xa không đành ở lại báo hại ? Mấy năm mất mùa do bọn rầy nâu phá đám, thiếu gạo nồi cơm độn cao lương, hết cao lương độn khoai lang khoai mì, hết khoai mì đến chuối, lúc đầu xót ruột lắm nhưng ăn thét cũng quen. Tôi và vợ tôi bới cơm cho mấy đứa nhỏ lúc nào cũng dành phần cơm trắng cho chúng.
     Nghe tôi kể lại vợ tôi ngừng tay đang trộn thau chuối cây băm trộn cám cho vịt ăn xụ mặt buông một câu “ Ảnh ác thiệt, đi mà không chịu nói. ”
     Dù tất bật chuyện thường ngày nhưng tôi luôn mong có một ngày nào đó anh quay lại nhưng cả tháng sau anh vẫn bặt tin. Chợt nhớ có lần anh nói với tôi quê anh ở Cái Mơn tôi liền mượn chiếc xe đạp của bà chủ vựa chuối trên chợ cọc cạch qua phà Hàm Luông xuống Cái Mơn tìm anh. Nhưng trời đất mênh mông biết tìm đâu, hỏi thăm nhiều nơi cũng không ai biết, vùa mệt vừa đói may nhờ trước khi đi vợ tôi đưa tôi nải chuối già nấu chín cùng chai nước mưa để lót dạ dọc đường, nhờ vậy mà tôi không bị cơn đói hành hạ.
     Thôi đành vậy chớ làm sao bây giờ. Mặt trời đã nghiêng bóng chiều, đường về nhà xa lắc nếu không tranh thủ về nhà đêm nay biết trú ngụ nơi đâu, lạ người lạ cảnh ai dám chứa. Về thôi, vợ con đang chờ mình phải về thôi.
     Vậy mà thoắt một cái đã mấy mươi năm. Lắm lúc ngồi nghĩ lại bỗng giật mình. Ở vào cái tuổi sáu mươi hơn vậy mà tôi vẫn phải cố hết sức mới đưa gia đình vượt qua cái đói, và cũng trong ngần ấy năm mãi chăm chú vào việc kiếm cái ăn, hầu như tôi không còn thời gian để nhớ lại chuyện xưa. Nếu không có cái cơ may dẫn dắt tôi trở lại mái nhà xưa, cái nôi văn nghệ với những người bạn tràn đầy nhiệt huyết giúp tôi sống lại với tình yêu ban đầu. Một mối tình lẽ ra với bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng phải yêu hết mình, trân trọng gìn giữ. Biết bao nhiêu con người khi dấn thân vào nghiệp dĩ đã sống và chết với nó, trái lại tôi đầu hàng hoàn cảnh, không đủ kiên gan, không dám hy sinh, không dám cùng chung thân với nó. Và đáng trách hơn tôi đã phụ lòng, đã vô tình với anh Lã Phi Khanh – một người thầy – người đã dẫn đắt tôi nhưng ngày đầu chập chững những bước chân vào con đường văn nghệ.
     Khi có ý định viết bài nầy gởi về ĐẤT ĐỨNG, tôi chỉ mong muốn là biết đâu trong các bạn có ai biết tin về anh Lã Phi Khanh xin mách để tôi tìm đến thăm Thầy, và xin Thầy nhận ở nơi tôi lời chân thành tạ lỗi./.

VŨ THỦY
(An Hóa - Bến Tre)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét