Thuở nhỏ, anh hồn nhiên bên mẹ
Vui đùa, quấn quýt hát bên cha
Chái bếp, hồn chiều nương sợi khói
Dễ thương như hoa mướp, hoa cà !
Anh đứng bờ giồng nhìn luống nước
Ngày mùa mở hội lúc hừng đông
Áo bà ba, mẹ đều tay cấy
Cha quần phèn, nhổ mạ từng công !
Những đêm trời tối sương che lối
Cùng ông đi đặt trúm, giăng câu
Xuồng ba lá rẽ lung bông súng
Cá thèm mồi táp giữa đồng sâu !
Những trưa dịu nắng thay đổi gió
Ôm lưới băng đồng đi bẫy chim
Đốt lung năng cạn, rùa ngợp khói
Theo bà câu cá ở đìa bên !
Cái Nước ngọn, theo thầy Vinh học
Quê nghèo xa cách, bốn mươi năm
Tân Hưng Đông, nhớ thời nhau rún
Vầng trán anh hằn thêm nếp nhăn !
Châu Đốc, 1989
TRÚC THANH TÂM
____
PHỤ CHÚ :
- Trúc Thanh Tâm, sinh năm 1949, tại ấp Ông Khâm, xã Tân Hưng Đông, quận Cái Nước, tỉnh An Xuyên ( Cà Mau ). Lớn lên từ ao vườn, ruộng lúa của Nội ( Ông Tư Đường ) với hai mùa mưa nắng trong bom đạn chiến tranh và qua con sông học trường làng Tân Hưng Tây ( quê Ngoại ) với Thầy Lê Quang Vinh. Năm 1956, rời xa làng quê, tôi không sao quên được cô bạn nhỏ Lê Ngọc Bạch con gái lớn của Thầy Vinh, đến giờ vẫn biệt tăm.
________
- Trước thế kỷ XIX, địa bàn huyện Cái Nước ngày nay là vùng đất hoang sơ, rậm rạp thuộc trấn Hà Tiên. Cư dân nơi đây ở từng cụm rải rác, chỉ tập trung nhiều ở thôn Tân Hưng. Thôn này lúc bấy giờ có khoảng 300 người chuyên sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng lúa nước, một số người sống ven sông với nghề bắt tôm, cua, cá. Dần dần vùng đất này trở nên trù phú, thu hút ngày càng đông người dân tứ xứ đến lập nghiệp xây dựng xóm làng.
- Năm 1833, trấn Hà Tiên đổi thành tỉnh Hà Tiên, xứ Cái Thủy (Cái Nước ngày nay) thuộc tổng Quảng Xuyên, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên. Thời Tự Đức, triều đình khuyến khích dân khẩn hoang, lập làng ở khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh. Dân cư các nơi đến vùng Cái Nước khẩn hoang sinh sống càng nhiều. Thời Pháp thuộc, xứ Cái Thủy thuộc quận Ngọc Hiển. Năm 1951 chia quận Ngọc Hiển là 2 quận Ngọc Hiển và Trần Văn Thời, xứ Cái Thủy thuộc quận Trần Văn Thời.
- Quận Cái Nước được thành lập từ ngày 05 tháng 08 năm 1957, thuộc tỉnh An Xuyên, gồm có 6 xã: Hưng Mỹ, Tân Hưng Tây, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông, Tân Hưng, Thuận Hưng. Quận lỵ đặt tại Cái Nước Ngọn. Ngày 19 tháng 05 năm 1958, xã Thuận Hưng được cắt về cho quận Năm Căn. Ngày 07 tháng 12 năm 1965, giao xã Tân Hưng về cho quận Đầm Dơi, đồng thời nhận xã Tân An từ quận Đầm Dơi chuyển qua. Ngày 09 tháng 05 năm 1969, giao hai xã Thuận Hưng, Tân Hưng Đông về cho quận Năm Căn. Ngày 13 tháng 09 năm 1974, giao xã Hưng Mỹ về cho quận Sông Ông Đốc cùng tỉnh.
- Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, huyện Cái Nước thuộc tỉnh Minh Hải.
_________
NHỮNG SẢN VẬT CỦA XỨ CÀ MAU :
- Nước ngọt của Hòn Khoai.
- Mắm Ruột ( mắm lòng ) ở Tân Điền, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông.
- Mắm Lóc, mắm Trê ở những vùng nước ngọt có ao, đìa, ruộng lúa.
- Cá Dầy và Lươn ở xã Tân Hưng.
- Cá Bông ở Cái Tàu.
- Khô cá Bẹ, khô cá chét, khô Gộc và nước mắm ở Vàm Sông Ông Đốc.
- Cá Vược, cá Bống Mú, cá Dứa, cá Buôi ở Năm Căn và Ông Trang.
- Vi cá, bong bóng cá Mè Đường ở Rạch Gốc và Vàm sông Ông Đốc.
- Cá Bống Kèo, Bống Dừa ở các trại đáy.
- Sò huyết, Mực tươi ở Ông Trang.
- Nghêu ở Rẫy Chệc ( Viên An ).
- Vọp ở Rạch Vọp và Ông Tự.
- Hàu ở Hòn Đá Bạc và Thọ Mai.
- Ba Khía, Ốc Len ở Rạch Gốc.
- Cua gạch son ( cua đầm ) ở Đầm Dơi.
- Tôm khô, Tôm luội ở Năm Căn, Xóm Lớn, Hàng Vịnh.
- Tép Mòng, con Ruốc ở Rạch Gốc.
- Kỳ Đà ở Xóm Thủ và Đầm Chim.
- Sấu ở Dày Chảo và sông Cửa Lớn.
- Rùa Vàng ở đồng Cái Rắn và Rau Dừa.
- Cần Đước ở Cái Tàu và Khánh Lâm.
- Khỉ ở khắp các rừng cấm.
- Lọ Nồi ở Năm Căn, Nhưng Miên, Xóm Thủ và Cái Bát.
- Đuôn Chà Là ở Cái Keo và Đầm Dơi.
- Sân Chim ở dớn Rạch Giếng.
- Mật và Sáp Ong ở rừng cấm Thới Bình, Tân An, Khánh An.
- Chiếu Lẫy ở Đầm Chim, Cái Rắn, Cái Nhút, Rạch Nhà.
- Cây Mốp ( làm nón ), cây Vông Rừng ( làm guốc ), cây Kè ( làm liễn ) ở Trèm Trẹm, Tân Bằng.
- Than Đước, Vẹt, Vỏ Dà, Vỏ Đước ở rừng cấm Năm Căn, Tân An, Nhưng Miên.
- Dây Choại ở miệt Rạch Giếng, Thới Bình.
- Lá Tàu, lá Bó, lá Chằm, lá Cần Đóp ở khắp các rừng cấm, bờ sông lớn.
- Bồn Bồn, Môn Nước ở nơi đất thấp.
- Sầu Riêng, Trầu Vàng ở Cái Tàu.
- Khóm ở Trèm Trẹm.
- Dưa Hấu ở Rẫy Chệc.
_______________
* Tài liệu của Nghê Văn Lương và Huỳnh Minh sưu khảo vào lối những năm 50 - In trong cuốn “ Cà Mau xưa ”. Trải qua bao dâu bể cuộc đời, hai tác giả đã thành người thiên cổ.
- Riêng những sản vật vừa kê dẫn, rất nhiều thứ chỉ còn trong ký ức của những bậc lão niên vốn sống chết cả đời với đất rừng phương Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét